Mới đây, một số bạn đọc cổng thông tin điện tử của Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm “TTLCC” (www.thamvanphapluat.vn) thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) đã gửi thư quan tâm đến ATTTGT. Theo đó, Luật sư Phạm Lan Thảo xin phúc đáp cụ thể sau:
Trong tình huống nguy hiểm, chống đối của người điều khiển phương tiện, xâm phạm sức khỏe, tài sản, CSGT có quyền rút chìa khóa phương tiện để ngăn chặn hành vi vi phạm. Đồng thời, theo quy định hiện hành, công an xã được dừng xe kiểm tra, xử lý vi phạm với xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ khi không có CSGT đi cùng.
CSGT có quyền rút chìa khóa khi kiểm tra phương tiện
Ảnh minh hoạ
Căn cứ tại Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA, trong quá trình tuần tra, kiểm soát CSGT được phép dừng các phương tiện, kiểm soát người điều khiển, phương tiện, các giấy tờ liên quan tới người điều khiển và phương tiện.
Trong đó, kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ và áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội cũng như các vi phạm khác theo quy định.
Cùng với đó, là 9 biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như: Tạm giữ người; Áp giải người vi phạm; Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Khám người; Khám phương tiện vận tải, đồ vật; Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính…
Vì lẻ đó, việc tự ý rút chìa khóa xe (nếu có) của người thi hành công vụ là hành vi không phù hợp. Thế nhưng, đối với những tình huống nguy hiểm, chống đối của người điều khiển phương tiện, xâm phạm sức khỏe, tài sản thì CSGT có quyền rút chìa khóa phương tiện để ngăn chặn hành vi vi phạm, kiểm soát phương tiện.
Điển hình, CSGT ra tín hiệu dừng xe nhưng người vi phạm nồng độ cồn tỏ thái độ thách thức, cố ý tăng ga nhằm bỏ trốn hay cố tình lao xe vào lực lượng chức năng thì việc rút chìa khóa là cần thiết nhằm thực hiện quyền kiểm soát phương tiện, ngăn chặn hành vi của người vi phạm.
Công an xã được dừng xe kiểm tra
Ảnh minh hoạ
Căn cứ thông tư 32/2023 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông chính thức có hiệu lực từ ngày 15/9/2023.
Tại điểm c, khoản 2, Điều 33 Thông tư 32 cho phép công an cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là công an xã) được phép dừng xe kiểm tra, xử lý vi phạm với xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ khi không có cảnh sát giao thông đi cùng.
Luật sư Phạm Lan Thảo, nhấn mạnh: “Tuy nhiên việc tuần tra, kiểm soát này phải thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành và phải báo cáo tình hình, kết quả hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cho cảnh sát giao thông. Công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã và đường khác thuộc địa bàn khu vực do đơn vị mình quản lý”.
Qua đó, khi phát hiện người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ có các hành vi vi phạm pháp luật như: Không đội mũ bảo hiểm theo quy định; Chở quá số người quy định; Chở hàng hóa cồng kềnh, quá kích thước giới hạn quy định; Dừng, đỗ xe không đúng quy định; Phóng nhanh, lạng lách, đánh võng; Không có gương chiếu hậu ở bên trái; Sử dụng ô (dù); Chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định hoặc phát hiện phương tiện giao thông vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự xã hội nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, thì được xử lý theo quy định của pháp luật. Luật sư Phạm Lan Thảo thông tin, theo quy định, công an xã, phường được phép dừng xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ để xử lý một số lỗi nêu trên.
Ngoài ra, quá trình giải quyết, xử lý, nếu phát hiện hành vi vi phạm khác công an xã được xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập biên bản vi phạm hành chính và báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật…
Dưới sự chủ trì của Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) luôn mong muốn thông qua các buổi hội thảo, toạ đàm khoa học, tham vấn pháp lý trực tuyến và trực tiếp nhằm góp phần nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, nâng cao ý thức chấp hành, kỹ năng tham gia giao thông an toàn và hình thành văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông của người dân và doanh nghiệp. Qua đó, góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự ATGT; giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông.
Luật sư Phạm Lan Thảo tham vấn pháp lý tại toạ đàm khoa học “Pháp luật về kinh doanh bất động sản&Du lịch nông nghiệp 4.0” ở Đắk Lắk
Luật sư Phạm Lan Thảo cũng mong muốn thông qua chương trình người dân, bạn đọc sẽ nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành luật giao thông, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, có được các kỹ năng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy an toàn và mỗi người dân sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho bạn bè, gia đình và cho mọi người trong xã hội về tầm quan trọng của việc chấp hành pháp luật an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trong phạm vi cả nước.
Bên cạnh nội dung của tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông trong tình hình mới gắn với hoạt động của các luật sư của Trung tâm TTLCC tham gia bảo vệ thân chủ tại Tòa án nhân dân. Từ đó, cho thấy vai trò của hệ thống TAND trong công tác bảo đảm trật tự ATGT cũng có ý nghĩa rất lớn. Qua công tác xét xử, hình phạt mà Tòa án áp dụng vừa có tính giáo dục, thuyết phục và TRung tâm TTLCC thực hiện tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Làm thay đổi hành vi, nhận thức ý thức chấp hành các quy định của người tham gia giao thông.
Bên cạnh những vấn đề thực tiễn xảy ra đối với các vụ án giao thông được xét xử tại Tòa án, một số tình huống pháp lý, Viện IMRIC phối hợp với Viện IRLIE và Trung tâm TTLCC cần có giải pháp tuyên truyền để có thể khai thác hiệu quả cho đến những vấn đề cần được nhân rộng các mô hình tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng lái xe, các trung tâm đào tạo…Tin rằng, với việc làm trên phần nào góp phần nhỏ vào việc kéo giảm TNGT một cách bền vững và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường.Song song đó, đưa công tác bảo đảm trật tự, ATGT sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo dựng môi trường văn minh, an toàn.
Văn Hải – Tuấn Tú (CTV TVVPL thuộc Trung tâm TTLCC)