Với những nỗ lực đồng hành, chia sẻ từ phía Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đã có sự ghi nhận và niềm tin đã quay trở lại. Niềm tin và sự tươi sáng vừa được nhen nhóm này rất cần được nuôi dưỡng và vun đắp thì doanh nghiệp mới có cơ hội phục hồi.
Niềm tin đã trở lại
Theo bà Trịnh Thị Hương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19, Chính phủ có rất nhiều động thái, hành động cụ thể để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) gặp khó.
Bản thân Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã trực tiếp họp với các hiệp hội DN, trong đó có Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP). Các hiệp hội, ngành hàng và Ban IV đã tổng hợp các kiến nghị, kịp thời nắm bắt được tình hình của DN và đưa ra được các chính sách, tham mưu, kiến nghị lên Chính phủ.
Từ đó, Chính phủ đã ban hành một loạt nghị quyết để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ cho DN phát triển bền vững.
“Có thể kể đến Nghị quyết 58, Nghị quyết 105, Nghị quyết số 02. Tất cả đều theo quan điểm rất rõ ràng: Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đồng hành, sát cánh cùng DN Việt Nam tháo gỡ khó khăn để có thể biến thách thức thành cơ hội kinh doanh cho DN”, bà Hương nêu.
Đặc biệt, một niềm vui lớn đối với các doanh nhân, DN trong dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2023 là việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41 ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Với rất nhiều nội dung mới trong quan điểm, định hướng và giải pháp để phát triển, phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam, Nghị quyết được coi là sự mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ, trò chuyện với các doanh nhân.
Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ – Giám đốc Văn phòng Ban IV cho biết, với những nỗ lực từ phía Chính phủ, cộng đồng DN đã có sự ghi nhận và cũng đã có phần nào đó DN bớt khó khăn và niềm tin đã quay trở lại.
Báo cáo về tình hình DN trong nửa cuối năm 2023 do Ban IV tổng hợp cho thấy những cải thiện rõ rệt. Những cảm nhận và luồng đánh giá tích cực, rất tích cực về bối cảnh kinh doanh cuối năm 2023 và bối cảnh đầu năm 2024 đã tăng lên một cách tương đối.
Không chỉ là những khía cạnh liên quan đến vĩ mô hay kinh tế ngành mà tất cả những khía cạnh khác bộn lộ liên quan đến nội tại của DN, những số liệu và trạng thái ở mức độ tươi sáng hơn đều thể hiện rõ ràng.
Mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp
Tuy nhiên, Giám đốc Văn phòng Ban IV nhìn nhận, niềm tin rất cần được vun đắp trong năm 2024 bởi vì những số liệu cho thấy DN vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn. Bản thân DN vẫn lường trước được năm 2024 nhiều thách thức.
“Vì thế niềm tin và sự tươi sáng vừa mới có một chút nhen nhóm trở lại rất cần các động thái từ cấp trung ương cho đến chính quyền địa phương phải nuôi dưỡng và vun đắp thì DN mới có cơ hội phục hồi”, bà Thuỷ nhấn mạnh.
Đại diện cho cộng đồng DN thuỷ sản, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó tổng thư ký VASEP cho biết, hiệp hội rất ủng hộ và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ-Tổ trưởng Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính thúc đẩy hoạt động tích cực củaTổ công tác cải cách thủ tục hành chínhcủa Thủ tướng Chính phủ như thời gian 3-4 tháng cuối năm 2023.
Là một thành viên tích cực của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, VASEP đánh giá cao việc Thủ tướng có quyết định thành lập Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính vào tháng 8/2023 và giao Phó Thủ tướngTrần Lưu Quanglàm Tổ trưởng.
Đây là một quyết tâm lớn nữa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong kế hoạch cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là một trông đợi của hiệp hội và cộng đồng DN thủy sản.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó tổng thư ký VASEP.
VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm và hàng năm tiếp tục tổ chức cáchội nghịvới các hiệp hội DN, trong đó có VASEP. Đồng thời có các hội nghị tương tự giữa các hiệp hội với các Bộ trưởng của các bộ, ngành có liên quan như Bộ NN&PTNT, TN&MT, Tài chính, Công Thương, LĐ TB&XH, BHXH…
“Cộng đồng DN thuỷ sản mong muốn tiếp tục được là đối tác của Chính phủ, của các bộ, ngành. Từ xuất phát điểm là đối tác này sẽ có sự hợp tác tốt hơn. Điều tôi muốn nhấn mạnh, trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính, bản thân Chính phủ cũng đã nhận diện được và quan tâm, cộng đồng DN thủy sản mong muốn hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh trong năm nay để từ đó giúp cộng đồng DN cải thiện năng lực cạnh tranh trong bối cảnh khó khăn”, ông Nam bày tỏ
Ban IV cũng bày tỏ mong muốn tinh thần của Chính phủ trong việc đồng hành cùng DN không chỉ dừng ở cấp độ Chính phủ mà năm 2024 mà còn ở mô hình chính quyền đồng hành và kiến tạo cùng DN. Mong sao bài toán thực thi từ những quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, đến cấp thực thi ngày càng hiệu quả hơn nữa. Đây là điều kiện rất cần thiết để nuôi dưỡng niềm tin của cộng đồng DN.
Với những cơ hội kinh doanh mới, những bài toán mới phải trở thành một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ. Vì là trọng tâm ưu tiên nên Ban IV tin tưởng Chính phủ sẽ có những chính sách phù hợp.
“Với những khó khăn, bức thiết hàng ngày, hàng giờ của DN, tôi mong tinh thần lắng nghe và giải quyết khó khăn liên tục được duy trì trong năm 2024.
Còn lời hứa của DN, chắc chắn cộng đồng DN sẽ bền bỉ và nỗ lực vượt khó. Đây không phải là tiếng nói chúng tôi tự viết ra mà là tinh thần tại một cuộc giao ban của rất nhiều hiệp hội muốn gửi gắm một lời hứa như vậy tới Chính phủ”, bà Thuỷ chia sẻ.
Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ
Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Trịnh Thị Hương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh DN (Bộ KH&ĐT) nhấn mạnh, tinh thần của Chính phủ là luôn đồng hành, sát cánh cùng DN. Cục mong muốn DN tiếp tục phát huy bản lĩnh của mình, chủ động từ sớm, từ xa để nắm bắt cơ hội.
Cộng đồng DN mong muốn tiếp tục được Chính phủ đồng hành, giải quyết khó khăn.
“Chúng tôi luôn lắng nghe, chia sẻ cũng như có các hoạt động hỗ trợ cho DN, không chỉ là những hoạt động mang tính chất cụ thể, ngay lập tức mà mà còn là những hoạt động, chính sách mang tính vĩ mô, dài hạn từ phía Chính phủ.
Theo đó, chúng tôi sẽ tích cực triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, các chương trình hành động của Chính phủ để triển khai Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về phát huy, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”, bà Hương cho hay.
Trong năm nay, Cục Phát triển DN tham mưu cho Chính phủ để xây dựng chương trình hành động, qua đó triển khai Nghị quyết 41.
“Tất cả những thông tin gửi gắm của cộng đồng DN chúng tôi sẽ ghi nhận và cố gắng thể hiện rõ nét nhất trong các chương trình hành động này. Rất mong nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các hiệp hội và nỗ lực đồng hành của cộng đồng DN để năm 2024 ghi nhận nhiều khởi sắc”, Phó cục trưởng Cục Phát triển DN nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/vun-dap-niem-tin-de-doanh-nghiep-but-toc/20240205081326364