Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người được trợ giúp pháp lý (TGPL), giảm thiểu những vấn đề bức xúc diễn ra trong đời sống hàng ngày. Trong suốt thời gian qua, công tác tuyên truyền, TGPL cho người dân, doanh nghiệpluôn được đẩy mạnh, giúp họ tiếp cận với chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, bảo đảm công bằng xã hội.
Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) và Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tổ chức tuyên truyền TGPL cho người dân và các thành viên Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông&Chính sách pháp luật (Viện IRLIE) và Câu lạc bộ Doanh nhân IMRIC – IRLIE (Viện IMRIC) vào sáng ngày 02/07/2025, tại số 414, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Qua đó, BTC không ngừng tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng TGPL cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp lậut, tư vấn viên pháp luật và luật sư; soạn thảo các nội dung pháp luật đăng tải trên các trang tin điẹn tử, mạng xã hội trực thuộc; xây dựng các bảng tin tại các cơ quan tiến hành tố tụng; cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện công tác tuyên truyền và TGPL cho người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật và các đối tượng chính sách các văn bản luật về đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình, khiếu nại, tố cáo, vấn đề dân chủ ở cơ sở và những quy định pháp luật khác liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân… Ngoài ra, tiến hành khảo sát nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cần được TGPL để tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chú trọng tuyên truyền cho nhóm đối tượng có nhu cầu trợ giúp pháp lý về cùng một vấn đề hay cùng một nội dung cần tư vấn, trợ giúp.
Để công tác TGPL, đặc biệt là TGPL trong hoạt động tố tụng phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn cuộc sống, TS. Hồ Minh Sơn thường xuyên tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Trung tâm TTLCC và Trung tâm TVPLMS đã cung cấp đơn yêu cầu TGPL, tờ thông tin về TGPL, các biểu mẫu, sổ vụ việc theo quy định của Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: Quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thời gian tới, TS. Hồ Minh Sơn mong muốn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt chú trọng truyền thông, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ TGPL. Dướiđây là hai tình huống mà TS. Hồ Minh Sơn đã thực hiện TGPL:
Câu hỏi được thành viện CLB Doanh nhân IMRIC – IRLIE nêu: Làm thế nào để nhập cảnh vào Nga mà không cần thị thực?
Qua tham khảo, để quý doanh nhân nhập cảnh vào Nga, người nước ngoài phải điền vào đơn đăng ký điện tử chậm nhất là 72 giờ trước chuyến đi, trong đơn phải nêu rõ mục đích chuyến đi, thông tin cá nhân, chụp ảnh…
Ảnh minh hoạ
Trong đó, giai đoạn mới của thí điểm nhập cảnh bằng sinh trắc học đối với người di cư đã được bắt đầu ở Nga. Theo chương trình này, những người đến Nga phải khai báo trước về mục đích nhập cảnh và phải nộp dữ liệu sinh trắc học.
Thông tin khai trong đơn sẽ tạo thành cơ sở cho hồ sơ kỹ thuật số và có mã định danh cụ thể để trong tương lai có thể thay thế hồ sơ giấy.
Tham chiếu sắc lệnh của Chính phủ Nga, giai đoạn thí điểm này sẽ kéo dài 1 năm, từ 30/6/2025-30/6/2026. Hiện nay, để nhập cảnh vào Nga mà không cần thị thực, người nước ngoài phải điền vào đơn đăng ký điện tử chậm nhất là 72 giờ trước chuyến đi. Trong đơn phải nêu rõ mục đích chuyến đi, thông tin cá nhân, chụp ảnh, chụp ảnh giấy tờ tùy thân, ghi âm giọng nói và sau đó đợi xác minh dữ liệu.
Đồng thời, trường hợp được ghi nhận yêu cầu nhập cảnh khẩn cấp vào Nga (khi cần điều trị khẩn cấp, bệnh nặng hoặc người thân qua đời), đơn đăng ký có thể được điền chậm nhất là 4 giờ trước chuyến đi. Những người nhập cảnh vào Nga có thể điền đơn đăng ký điện tử thông qua ứng dụng di động RuID, tải về từ RuStore, Google Play, AppGallery và App Store. Ứng dụng này có sẵn tiếng Anh, tiếng Nga và một số ngôn ngữ của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Để đăng ký RuID, người dùng chỉ cần có một địa chỉ email và không nhất thiết phải có số điện thoại ở Nga. Trong đó, ứng dụng RuID sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài thực hiện các thủ tục tiếp nhận nhận dịch vụ công, bao gồm cả lĩnh vực di trú.
Ứng dụng này cũng sẽ cho phép người muốn nhập cảnh vào Nga nhận thông tin trước về các lệnh cấm nhập cảnh có thể xảy ra. Ứng dụng sẽ hiển thị thông tin về việc nhập cảnh dưới dạng điện tử.
Những thay đổi trên sẽ không ảnh hưởng đến công dân Belarus, trẻ em dưới 6 tuổi, các nhà ngoại giao và nhân viên của các phái bộ ngoại giao nước ngoài cũng như các tổ chức quốc tế được công nhận tại Nga. Nhân viên của các cơ quan lãnh sự nước ngoài và thành viên gia đình của họ cũng không bị ảnh hưởng.
Được biết, Nga trước đó đã triển khai giai đoạn thí điểm đầu tiên nhập cảnh bằng sinh trắc học từ ngày 01/12/2024. Người nước ngoài khi nhập cảnh vào Nga qua các sân bay quốc tế ở thủ đô Moskva (Domodedovo, Sheremetyevo, Vnukovo) và tỉnh Moskva (Zhukovsky) được yêu cầu nộp dữ liệu sinh trắc học tại các trạm kiểm soát.
Thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân IMRIC – IRLIE quan tâm đến quy định về nhập quốc tịch thay đổi ra sao, kể từ ngày 01/07/2025?
Kể từ 1/7/2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam – được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 – chính thức có hiệu lực, với nhiều quy định mới về nới lỏng điều kiện nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam; các trường hợp được giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập tịch…Trước đây, người đã mất phải đáp ứng một số điều kiện nhất định mới được xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
Căn cứ theo khoản 8 Luật sửa đổi 2025, người đã mất quốc tịch Việt Nam khi có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì đều được xem xét giải quyết trở lại quốc tịch Việt Nam. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam trước đây. Trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài thì có thể lựa chọn tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài. Tên gọi này phải được ghi rõ trong Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
Tại khoản 1 Điều 21 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định, người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú tại Việt Nam (trừ trường hợp xin trở lại quốc tịch).
Quy định mới, tại khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi 2025, người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nếu cư trú ở trong nước, cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại nếu cư trú ở nước ngoài.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam và chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất việc xin nhập quốc tịch Việt Nam về Bộ Tư pháp. Cạnh đó, gửi thông tin về Bộ Ngoại giao để phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quốc tịch. Theo đó, Bộ Công an có trách nhiệm xác minh về nhân thân của người xin nhập quốc tịch Việt Nam theo đề nghị của Bộ Tư pháp.
Căn cứ Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi 2025 bổ sung quy định, người xin nhập quốc tịch Việt Nam thuộc các trường hợp sau đây được giữ quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng các điều kiện và được Chủ tịch nước cho phép.
Trường hợp được giữ quốc tịch nước ngoài: Có vợ hoặc chồng hoặc có con đẻ là công dân Việt Nam.Có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông nội và bà nội hoặc ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam (bổ sung trường hợp có ông/bà là công dân Việt Nam). Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Là người chưa thành niên xin nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ.
Điều kiện giữ quốc tịch nước ngoài: Việc giữ quốc tịch nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước đó. Đồng thời, không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại khoản 5 Điều 1 Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi 2025 quy định, công dân nước ngoài và người không quốc tịch có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp là người chưa thành niên xin nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ, người chưa thành niên có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam; Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam; Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam; Đang thường trú ở Việt Nam; Thời gian thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam; Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
Cụ thể: Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có vợ hoặc chồng hoặc có con đẻ là công dân Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải đáp ứng các điều kiện c, e và f; Người xin nhập quốc tịch Việt Nam thuộc một trong những trường hợp sau đây có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải đáp ứng các điều kiện c, d, e và f; Có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông nội và bà nội hoặc ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam; Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Là người chưa thành niên xin nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ.
Tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi 2025 bổ sung các quy định về quốc tịch của công chức, viên chức và người giữ chức vụ trong cơ quan Đảng, Nhà nước như sau: Người ứng cử, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, chỉ định giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội ở trung ương, địa phương; người làm việc trong tổ chức cơ yếu; người tham gia lực lượng vũ trang… phải là người chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và phải thường trú tại Việt Nam. Công chức, viên chức không thuộc trường hợp trên phải là người chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam và phải thường trú tại Việt Nam. Chính phủ quy định chi tiết tại khoản này.
Trưởng Văn phòng giao dịch tại Phú Quốc, Lê Vũ Thiên Thi – Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm