Các cơ quan quản lý báo chí tiếp tục đổi mới, tăng cường giải pháp đấu tranh, xử lý thông tin sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng xuyên biên giới, bảo vệ quyền lợi của báo chí…
Ảnh minh họa làm từ AI.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2024, ngành sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục chỉ đạo, định hướng để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh báo chí cách mạng, “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” gắn với chuyển đổi số; kịp thời chấn chỉnh hoạt động báo chí với phương châm “chủ động thông tin tích cực“.
Các cơ quan quản lý báo chí tiếp tục đẩy mạnh Chuyển đổi Số, áp dụng công nghệ đo lường hiệu quả trong chỉ đạo, quản lý báo chí; đổi mới, tăng cường giải pháp đấu tranh, xử lý thông tin sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng xuyên biên giới; quản lý tốt các nền tảng xuyên biên giới, nhất là nền tảng mạng xã hội, quảng cáo Số, bảo vệ quyền lợi của báo chí…
Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí của cơ quan báo chí, người làm báo; có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng “tư nhân hóa” báo chí, tư nhân “núp bóng” chi phối hoạt động báo chí; tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội; “thương mại hóa” báo chí…
Năm 2023, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp đẩy mạnh chấn chỉnh, thanh, kiểm tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí; bám sát Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay và các quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan.
Các cơ quan tập trung xử lý nghiêm những sai phạm liên quan việc không chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin đối với vấn đề “quan trọng, phức tạp, nhạy cảm”; thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật; chuyển mạnh công tác thanh tra theo kế hoạch sang giám sát, kiểm tra và tập trung giải quyết căn bản các vấn đề “nóng”, có tác động lớn trong xã hội.
Trong năm 2023, trong lĩnh vực báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tiến hành 3 cuộc thanh tra, 7 cuộc kiểm tra, nhiều cuộc làm việc để xem xét, xử lý. Kết quả, đã xử phạt vi phạm hành chính 48 trường hợp với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng, trong đó, có 2 cơ quan báo chí bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí trong 3 tháng vì để xảy ra sai phạm nghiêm trọng; thu hồi thẻ nhà báo đối với 9 trường hợp sai phạm.
Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra trách nhiệm của cơ quan chủ quản với cơ quan báo chí trực thuộc và lần đầu tiên tiến hành xử phạt cơ quan chủ quản báo chí (Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ môi trường) với tổng số tiền 335 triệu đồng; thu hồi giấy phép hoạt động của 2 tạp chí do tồn tại nhiều sai phạm, không bảo đảm điều kiện hoạt động.
Liên quan đến quản lý, chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, các cơ quan quản lý tiếp tục công khai các tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, cập nhật thường xuyên tôn chỉ, mục đích các cơ quan báo chí trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông để cơ quan, doanh nghiệp, địa phương cùng giám sát.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí ở Trung ương và địa phương, năm 2023, công tác chấn chỉnh, xử lý “báo hóa” tạp chí “báo hóa” trang thông tin điện tử, “báo hóa” mạng xã hội, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí đã có kết quả chuyển biến tích cực, được dư luận xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp, địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Các đơn vị chức năng thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách các tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa,” hoạt động không đúng quy định pháp luật để giám sát, tập trung chấn chỉnh, xử lý nghiêm.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông có các văn bản gửi cơ quan, đơn vị để yêu cầu tăng cường quản lý, chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, hoạt động sai tôn chỉ mục đích, biểu hiện sách nhiễu, vòi vĩnh tổ chức, cá nhân, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, giúp các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội nhận biết, không vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến “báo hóa”, bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật.
Kết quả, các đơn vị chức năng đã thanh, kiểm tra, chấn chỉnh 16 tạp chí, xử phạt 10 trường hợp với tổng số tiền hơn 733 triệu đồng; xử phạt 3 Tổng Biên tập tạp chí đã cử nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích, yêu cầu cung cấp thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí; nhắc nhở, chấn chỉnh 8 cơ quan tạp chí.
Các đơn vị thanh, kiểm tra, chấn chỉnh 19 tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, xử phạt 10 trường hợp với tổng số tiền 323 triệu đồng; thu hồi 16 giấy phép hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; chuyển các Sở Thông tin và Truyền thông xử lý 54 trường hợp.
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xử phạt vi phạm hành chính 133 cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí, cung cấp, sử dụng dịch vụ mạng xã hội, thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng…/.
(Theo TTXVN)