Trong thời gian gần đây, một số tổ chức và cá nhân đã gửi thư đến Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) nhờ tham vấn pháp lý liên quan đến tài sản cho, tặng…
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phan Đức Hiếu – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể sau:
Sau hàng loạt vụ con ngược đãi cha mẹ sau khi đã được tặng, cho đất gây bức xúc trong dư luận, nếu con không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, cha mẹ có được lấy lại đất đã cho? Đồng thời, em rể tặng cho anh vợ quyền sử dụng đất cần làm thủ tục gì?
Con ngược đãi cha mẹ sau khi đã được tặng, cha mẹ có được lấy lại tài sản?
Ảnh minh hoạ
Theo quy định hiện hành, việc tặng, cho quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. Nghĩa là việc tặng, cho hoàn tất kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Căn cứ thao khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013 nêu rõ, việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Trong đó, tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ, Sổ hồng) cũng không thể hiện quyền được lấy lại đất sau khi sang tên sau khi việc tặng cho đã có hiệu lực. Mặt khác, khi được sang tên sổ đỏ, người nhận tặng cho, nhận chuyển nhượng được cấp Giấy chứng nhận mới và được ghi tên tại trang bìa của Giấy chứng nhận đó hoặc được ghi tại trang 4 Giấy chứng nhận nếu vẫn giữ sổ cũ.
Điển hình, họ còn được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình; Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai; Được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai…
Do đó, dù sau khi được tặng cho nhà đất, con cái không thực hiện nghĩa vụ của mình, có hành vi ngược đãi cha mẹ thì cha mẹ cũng không có quyền lấy lại đất đã tặng cho vì khi thực hiện hành vi này, các bên đều tự nguyện, không lừa dối, cưỡng ép nên không có căn cứ để Tòa án tuyên vô hiệu. Bên cạnh đó, việc tặng cho đã hoàn tất và đã có hiệu lực.
Tuy nhiên, nếu việc tặng cho chỉ thể hiện bằng lời nói, chưa đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì bên tặng cho “có thể” lấy lại nhà, đất. Qua đó, nếu đủ căn cứ cho rằng, con cái sau khi được cha mẹ tặng cho nhà đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ của mình, có hành vi hành hạ, ngược đãi cha mẹ thì sẽ bị phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Điều 53, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
Theo Điều 185 BLHS 2015 sửa đổi về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có hành vi ngược đãi, không phụng dưỡng cha mẹ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.Cụ thể, người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, thuộc một trong những trường hợp thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm. Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu… thì bị phạt tù từ 2-5 năm.
Em rể tặng cho anh vợ quyền sử dụng đất cần làm thủ tục gì?
Căn cứ theo Điều 457 Bộ Luật dân sự năm 2015, quy định: Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận. Về hình thức của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất thì phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định Luật đất đai năm 2013.
Theo Điều 459 BLDS năm 2015 có quy định về hình thức và hiệu lực của hợp đồng tặng cho, cụ thể:Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Vì vậy, hợp đồng tặng cho là quyền sử dụng đất (QSDĐ) pháp luật quy định phải công chứng hoặc chứng thực đồng thời phải đăng ký chuyển quyền và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ). Sau khi hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất được công chứng hoặc chứng thực bạn nộp hồ sơ đăng ký biến động QSDĐ; VPĐKĐĐ sẽ tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, nếu đã đầy đủ thì tiến hành theo trình tự của thủ tục và hồ sơ sẽ được gửi đến cơ quan thuế và Phòng Tài nguyên và Môi trường để xác định nghĩa vụ tài chính và tiến hành sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ).
Các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển quyền sở hữu: Phí công chứng hoặc phí chứng thực, phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, bạn có thể phải đóng thuế thu nhập cá nhân nếu đây là tài sản riêng của em rể.
Với vai trò nhịp cầu nối của Viện IMRIC phối hợp với Viện IRLIE đã giao Trung tâm Tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) đã thường xuyên tổ chức Chương trình toạ đàm khoa học, tham vấn, phúc đáp để tuyên truyền pháp luật thực hiện mô hình “Pháp luật với cộng đồng dân cư” nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động sâu rộng cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp…
Luật sư Phan Đức Hiếu cho bằng bằng việc đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân. Qua đó, một mặt góp phần đưa quy định pháp luật đi vào thực tiễn đời sống, mặt khác thực hiện tốt chức năng chính trị xã hội của Viện IMRIC, Viện IRLIE và Trung tâm. TTLCC theo đúng định hướng đã đề ra trong chiến lược phát triển từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2045. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động tư vấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tin rằng, với hình thức tuyên tuyền trực quan sinh động, dẫn dắt các tình huống pháp lý cụ thể, hứahẹn Trung tâm TTLCC sẽ cung cấp cho người dân các quy định pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống của Nhân dân, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm như pháp luật về tài sản và quyền sở hữu, pháp luật về đất đai, pháp luật về thừa kế; hôn nhân và gia đình…. Đồng thời, thông qua chương trình, các Luật sư, luật gia, các tư vấn viên và cộng tác viên tư vấn pháp luật của Trung tâm TTLCC đã thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho nhiều trường hợp về thủ tục thừa kế, tách thửa liên quan đến quyền sử dụng đất, vay tài sản…
Văn Hải – Vương Minh (CTV TVVPL thuộc Trung tâm TTLCC)