“Trực nhìn ngó thấy Bàn Than
Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kỳ”
Những dòng ca dao này không chỉ là những từ ngữ quen thuộc mà còn là hình ảnh sống động đưa ta gợi nhớ đến vùng đất huyện đảo Lý Sơn – địa danh nổi tiếng với tinh thần bám biển kiên cường, bất khuất của người dân. Nơi đây còn là “quê hương” của Hải Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, một trong những minh chứng hùng hồn cho tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo thời phong kiến Việt Nam. Phát huy tinh thần “Tiền hiền khai khẩn, hậu tiền khai canh”, thế hệ nơi đây đã mặc bao gian khó chập chờn từ phía biển để lập làng, lập nghiệp, ngày ngày đạp gió rẽ sóng trực chỉ Hoàng Sa.
Chỉ vỏn vẹn một câu ca dao, người nghe có thể phác họa nên địa hình và hành trình khi đến với huyện đảo tiền tiêu này. Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền khoảng 15 hải lý. Nơi đây có tổng diện tích 10,39 km2, gồm 2 đảo: Đảo Lớn (thường gọi là “Lý Sơn” hoặc “Cù Lao Ré”), đảo Bé (thường gọi là “Cù Lao Bờ Bãi”) và hòn Mù Cu Tên gọi Cù Lao Ré bắt nguồn từ việc đảo được bao quanh bởi nhiều cây Ré.
Lịch sử kiêu hùng của Cù Lao Ré
Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với huyện đảo Lý Sơn từ khi còn là đất vô chủ.
Qua các cuộc khảo cổ, Lý Sơn được phát hiện là nơi cư trú từ lâu của cư dân thời tiền sử thuộc văn hóa Sa Huỳnh (200 năm TCN), sau đó là văn hóa Chăm Pa với các dấu tích ở Xóm Ốc, Suối Chình – cũng là nơi người Việt đến khai khẩn đất hoang và định cư lâu dài. Theo ghi chép trong những cuốn gia phả cổ của các tộc họ ở Lý Sơn, vào khoảng đầu những năm 1600, các vị tiền hiền ở vùng cửa Biển Sa Kỳ, phủ Bình Sơn cũ đã dong thuyền ra Cù Lao Ré, tức Lý Sơn ngày nay để khai làng, lập ấp. Khi đó họ sinh sống chủ yếu ở phía đông và phía tây Cù Lao Ré.
Ngoài ra, khi nhắc đến lịch sử kiêu hùng trên huyện đảo Lý Sơn, không thể không nhắc đến lực lượng “tiên phong” trong công cuộc giữ gìn chủ quyền biển đảo của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chính là Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải.
Quần đảo Hoàng Sa đã được khắc hoạ và miêu tả rõ nét trong cuốn Phủ biên tạp lục của cụ Lê Quý Đôn – người từng làm Hiệp trấn xứ Thuận Hóa thế kỷ XVIII như sau: “Phủ Quảng Ngãi huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi binh phu tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia phải đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng dài, ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy…”. Đây cũng có thể là
Nguyên do người Việt thời đó gọi quần đảo Hoàng Sa bằng chữ Nôm là 𪤄葛鐄 hay 𡓁吉鐄 hoặc bằng chữ Hán là 黄沙渚 hay 黄沙, đều có nghĩa là “Bãi Cát Vàng”.
Nhiều tài liệu lịch sử ghi lại, bắt đầu từ thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), có những chiếc thuyền được thừa lệnh đưa ra quần đảo Hoàng Sa. Hải Đội Hoàng Sa được thành lập, với lực lượng là trai tráng giỏi nghề biển thuộc hai làng An Vĩnh và An Hải tại cửa biển Sa Kỳ thuộc Cù Lao Ré. Hải Đội Hoàng Sa đã hoạt động xuyên suốt từ thời các Chúa Nguyễn cho đến các đời vua của triều đình nhà Nguyễn.
Ban đầu, Hải Đội Hoàng Sa được Chúa Nguyễn cử ra quần đảo Hoàng Sa với mục đích hàng năm đi thuyền từ Quảng Ngãi ra các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa để khai thác hải sản và thu nhặt hàng hóa do tàu buôn bị đắm, trôi dạt vào các đảo này. Theo Phủ biên tạp lục ghi chép: “Ở đó họ tha hồ bắt chim, bắt cá mà ăn. Họ thu được những đồ vật của tàu (bị đắm) như gươm và ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì, súng, ngà voi, sáp ong vàng, chiêng, đồ sứ,…Họ còn lượm thật nhiều vỏ đồi mồi, hải sâm và hạt ốc vân…” Cũng theo Pierre Poivre, một thương nhân người Pháp từng đến Đàng Trong trong khoảng thời gian từ năm 1749 đến năm 1750 từng cho biết rằng, ông có nghe chuyện Chúa Nguyễn hàng năm đưa vài chiếc thuyền ra Le Paracel (tên mà các thương nhân phương Tây dùng để gọi quần đảo Hoàng Sa thời ấy) để tìm kiếm các sản vật thiên nhiên cho bộ sưu tập của mình.
Sau này, nhiệm vụ của Hải Đội Hoàng Sa không chỉ đơn giản là khai thác, thu lượm các sản vật để phục vụ mục đích riêng của Chúa Nguyễn. Theo tờ đơn xin chấn chỉnh lại Đội Hoàng Sa của làng An Vĩnh, Cù Lao Ré đề ngày 15 tháng Giêng năm Cảnh hưng thứ 36 (1775): “Bây giờ chúng tôi lập Hải Đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm thêm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các cù lao ngoài biển tìm nhặt các hạng đồng, thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu dâng nạp. Nếu như có truyền báo xẩy chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm, xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm nhặt bảo vật cùng thuế quan đem phụng nạp, xin dốc lòng làm theo sở nguyện chẳng dám kêu ca…”.
Năm 1776, Hải Đội Hoàng Sa chính thức “lần đầu” ra khơi với mục đích cao cả hơn, đó là bảo vệ chủ quyền của nước ta trên “Bãi Cát Vàng”, đánh đuổi những kẻ xâm phạm, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ. Dưới thời các vua triều Nguyễn, cứ vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch, Hải Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (tên gọi của Trường Sa thời ấy) sẽ lãnh suất gồm 70 binh phu, xuất phát ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt, thu lượm, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc, dựng bia chủ quyền… Trong 70 người, có một người được phong là Cai đội trưởng giữ nhiệm vụ thống lĩnh. Những Cai đội trưởng Hải Đội Hoàng Sa này được xem là người có chức sắc trong triều đình, được nhận bổng lộc. Họ đi trên 5 chiếc thuyền câu, có kích thước chiều dài khoảng từ 12 đến 14 mét, chiều ngang khoảng 3 mét, cao khoảng 1 mét, mỗi chiếc chở 14 người. Những binh phu này rời Cù Lao Ré với nhiều vật dụng, trong đó bao gồm những tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc có ghi thông tin niên hiệu, tên Cai đội trưởng,… dùng làm bia chủ quyền. Đặc biệt, họ còn phải đem theo chiếu cói, dây mây, nẹp tre, thẻ tre…
Sử thi lưu truyền rằng đường ra khơi chưa bao giờ dễ dàng, hầu hết những Hải Đội Hoàng Sa không thể trở về như ước định. Những người lính, những ngư dân can trường thường xuyên đối mặt với sóng to gió lớn, cái chết của họ dù bất cứ nguyên nhân nào cũng đồng nghĩa với việc lấy lòng biển bao la làm nơi mai táng. Theo tư liệu, binh phu chẳng may mất trên thuyền được đồng đội bó vào chiếu cói, dùng dây mây buộc cẩn thận, dùng nẹp tre cố định, kẹp thẻ tre ghi phiên hiệu, quê quán rồi thả xuống biển. Trong văn hoá dân gian của Lý Sơn, có những câu ca dao hay truyền tụng về hiểm họa gian truân mà những chiến binh can trường Hoàng Sa, Trường Sa phải đối diện và chịu đựng: “Hoàng Sa lắm đảo, nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây” hay “Hoàng Sa trời bể mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về” để rồi: “Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa …”
Chắc có lẽ vì lý do này mà trước ngày xuất phát, người dân Cù Lao Ré sẽ tiến hành lễ tế đình, khao quân tế sống binh phu Hải Đội Hoàng Sa. Trong buổi lễ, họ dùng những hình nộm làm bằng khung tre dán giấy ngũ sắc để mô phỏng hình người và đem tế tại đình làng. Sau đó, họ đốt những hình nộm này đi hoặc đóng thuyền bằng thân cây chuối, đặt hình nộm lên và thả trôi ra biển. Người dân Cù Lao Ré quan niệm rằng các hình nộm này sẽ gánh chịu mọi nguy hiểm, tai nạn trên biển thay cho binh phu Hải Đội Hoàng Sa và cầu mong cho người thân của họ bình an trở về. Trường hợp những binh phu không thể trở về, ngày mất của họ sẽ được ấn định là ngày họ được “tế sống”.
Những binh phu nằm lại nơi biển đảo xa xôi được người nhà của họ lập mộ gió tại quê nhà Cù Lao Ré để “an táng”. Sở dĩ gọi là mộ gió, bởi vì bên dưới những ngôi mộ này không có hài cốt. Khi xây mộ, người nhà binh phu sẽ mời pháp sư đến để “chiêu hồn” họ về ngự tại đó. Riêng những Cai đội trưởng Hải Đội Hoàng Sa không trở về được lập bài vị thờ ở đình làng. Hiện nay, ở huyện đảo Lý Sơn có hai đình làng và Cai đội trưởng nào thuộc làng nào sẽ được thờ ở đình làng đó.
Dưới thời vua Gia Long, tháng 1 năm Ất Hợi (1815), Phạm Quang Ảnh – viên quan triều Nguyễn đã tiến ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ đo vẽ thủy trình. Ngày nay, có đảo Quang Ảnh (thuộc quần đảo Hoàng Sa) là lấy tên vị viên quan để đặt. Về sau, các thế hệ của thủy tổ họ Phạm ở Cù Lao Ré lần lượt được cử đi đo vẽ bản đồ Hoàng Sa như Phạm Văn Sinh,.v.v. Đến năm Minh Mạng 16 (1835), Phạm Văn Nguyên được giao nhiệm vụ xây dựng Hoàng Sa Tự – ngôi miếu cổ trên đảo Phú Lâm của đảo Hoàng Sa (ngày nay vẫn được thờ tự). Hải Đội Hoàng Sa đầu tiên thành công dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa rồi quay trở về Cù Lao Ré được ghi nhận là Hải Đội của Cai đội trưởng Phạm Hữu Nhật. Hải Đội này theo lệnh vua Minh Mạng lên thuyền vãng thám Hoàng Sa vào năm 1837. Sau khi cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, các binh phu đã dừng chân trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật ở từng điểm đảo. Tại đây, họ phát hiện nhiều tấm bài gỗ khẳng định chủ quyền của nước ta. Điều đó có nghĩa rằng trước Hải Đội Hoàng Sa do ông Phạm Hữu Nhật dẫn đầu, đã có những Hải Đội khác hoàn thành nhiệm vụ khẳng định chủ quyền nhưng chỉ là họ không thể trở về cùng người thân của mình nữa. Sau chuyến đi này, thông tin hải trình từ Cù Lao Ré đến quần đảo Hoàng Sa chính thức được xác nhận là mất 3 ngày 3 đêm.
Kế thừa và phát huy ý thức chủ quyền biển, đảo của các vị tiền hiền trong lịch sử, những người hậu nhân sau này đã tiếp tục công cuộc xây dựng và bảo vệ mảnh đất hùng thiêng. Trong buổi đầu “mang gươm đi mở cõi”, người dân Cù Lao Ré đã đối mặt với vô vàn khó khăn. Là nơi đầu sóng ngọn gió, bốn bề là biển, họ phải chống chọi với thiên tai bão quét liên miên. Mặt khác, họ còn phải bảo vệ đảo khỏi nạn giặc Tàu Ô1 hung hãn, bạo tàn. Năm Nhâm Dần 1842 (Thiệu Trị thứ 2), đình Vĩnh An trên đảo bị giặc Tàu Ô cướp phá, đốt sạch, xoá sạch. Tháng 9/1951, quân Pháp đổ bộ đánh chiếm đảo và lập đồn ở đảo để cai trị, khủng bố nhân dân và khống chế vùng biển tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 31/3/1975 sau 1 tuần giải phóng Quảng Ngãi, quân giải phóng đã đẩy lùi được địch và giải phóng đảo, chấm dứt ách thống trị của địch kéo dài suốt gần 25 năm. Thực tế này được chứng minh trong nhiều tư liệu, sách cổ, văn bản pháp lý của Nhà nước, bản đồ thể hiện việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được lưu giữ tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới
Nhịp sống mới trên huyện đảo Lý Sơn
Ngày nay, Lý Sơn đã trở thành huyện đảo tiền tiêu của đất nước. Nằm tại vị trí chủ lực trên tuyến đường biển từ Bắc vào Nam và ngay cửa ngõ của khu Kinh Tế Dung Quất – một trong những khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, địa danh này đóng vai trò không nhỏ trong việc phát triển kinh tế biển và giữ vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh.
Các cư dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề biển và nghề nông. Nghề trồng tỏi vô cùng phổ biến tại Lý Sơn và Tỏi Lý Sơn được ví von như “vàng trắng” của người dân địa phương. Tỏi ở Lý Sơn khá nổi tiếng trong và ngoài nước với một loại tỏi có tên rất lạ và trở thành ấn tượng khó quên “tỏi cô đơn”. Nhờ sự khác biệt về thổ nhưỡng và cách canh tác của người dân mà Tỏi Lý Sơn có hình dạng củ nhỏ, trắng, tép đều, có mùi thơm, có vị cay dịu ngọt khác biệt hẳn với tỏi trồng ở những nơi khác và có hàm lượng tinh dầu khá cao. Với vỏn vẹn 300ha đất nông nghiệp, nhưng cư dân nơi đây đã làm nên thương hiệu “vương quốc tỏi” mang lại nhiều giá trị nông sản, dược liệu và thu hút khách du lịch. Không chịu kém cạnh, các hoạt động thương mại dịch vụ tại Lý Sơn đang dần bắt kịp xu thế phát triển. Được hình thành, kiến tạo từ sự phun trào nham thạch của núi lửa nên Lý Sơn được mẹ thiên nhiên ban tặng địa hình độc đáo, xinh đẹp trên bờ cùng hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú. Do đó, du khách được thu hút tìm đến Lý Sơn ngày một nhiều hơn.
Ảnh và các chế tác liên quan đến hải đội Hoàng Sa như mô hình thuyền buồm, vật dụng sinh hoạt mà người lính đã sử dụng. Hiện nay, Lý Sơn vẫn còn lưu giữ nhiều chứng cứ quan trọng như: Các văn bản cổ; các bộ chính sử; các châu bản triều Nguyễn; sử sách của các học giả trong và ngoài nước có ghi chép về hải đội Hoàng Sa; danh sách các Cai đội trưởng Hải Đội Hoàng Sa, binh phu đi Hoàng Sa, Trường Sa thời vua Gia Long, Minh Mạng (1802 – 1840); các bản trích tiêu biểu trong các bộ chính sử Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa; các bản đồ vẽ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam (thời điểm đó hoàn toàn không thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc). Một trong những chứng cứ nổi bật là An Nam đại quốc họa đồ của Jean Louis Taberd (vẽ vào năm 1938), bản đồ đã ghi chú quần đảo Paracel Cát Vàng (tức quần đảo Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, còn có bản đồ vẽ xứ Quảng Ngãi trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá, tự Công Đạo, soạn thời Chính Hòa (1680 – 1705) triều Lê. Chú thích trên bản đồ này có ghi bãi Cát Vàng bằng chữ Nôm, ở ngoài khơi phủ Quảng Ngãi. Những tài liệu trên cho thấy một sự thật khó phủ nhận rằng từ lâu đời, Nhà nước Việt Nam đã xác lập thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Lý Sơn còn có các hoạt động văn hóa dân gian nhằm mục đích tri ân, đến những vị hùng binh có công xác thực chủ quyền biển đảo Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nơi đây nổi tiếng với các lễ hội đặc sắc như: Lễ hội đua thuyền, hội dồi bòng, lễ hội tế đình làng An Hải,.v.v. Ðặc biệt là “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”2 – một lễ hội truyền thống văn hóa lưu truyền từ hơn 300 năm trước, được cử hành vào khoảng tháng 2 và tháng 3 hàng năm để mô phỏng lại các cuộc tế lễ dành cho những hùng binh của Hải Đội Hoàng Sa năm xưa.
Sở hữu vị trí địa lý đặc thù, huyện đảo Lý Sơn luôn quan tâm, đặt lên hàng đầu vấn đề xây dựng, củng cố an ninh quốc phòng toàn dân và vấn đề chủ quyền biển đảo. Hiện nay, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bị nhiều nước yêu sách, tranh chiếm và trở thành đối tượng tranh chấp gay gắt về chủ quyền: “Trung Quốc chiếm đóng phi pháp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa; Trung Quốc (và cả Đài Loan), Malaysia, Philippine tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa với các mức độ khác nhau”.3 Đối với vấn đề trên, Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động khẳng định và thực thi chủ quyền của mình với Hoàng Sa, Trường Sa bao gồm đủ cả yếu tố vật chất lẫn tinh thần, đây là hai yếu tố cần và đủ trong Công pháp quốc tế.
Hiến pháp năm 1980 của nước ta lần đầu ghi nhận về lãnh thổ như sau: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, vùng trời, vùng biển và các hải đảo”. Hiện nay, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Trong quá trình phát triển của công pháp quốc tế về biển nói trên, nhà nước Việt Nam đã đơn phương ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để đóng góp, bổ sung vào nguồn luật quốc tế. Đặc biệt, Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định: “Phạm vi điều chỉnh của Luật Biển Việt Nam quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong các vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo”.
Về nguyên tắc, khi vận dụng Công ước để thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền đối với khu vực nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, các quốc gia ven Biển Đông có nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước khác ven Biển Đông đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ. Với tư cách là quốc gia ven biển, Việt Nam được thừa nhận chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với các vùng biển tại Biển Đông được xác lập trên cơ sở UNCLOS (Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển). Rõ ràng, chiếu theo luật pháp quốc tế, thực tiễn giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên thế giới hay những bằng chứng lịch sử, hoàn toàn không bất kỳ một cơ sở nào để Trung Quốc hay quốc gia khác đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vấn đề cần quan tâm hiện nay là tăng cường sức mạnh quốc gia, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển vững mạnh. Một trong những phòng tuyến vững chắc nhất cần nêu cao chính là “lá chắn” được xây dựng bởi tinh thần yêu nước, khí phách hiên ngang, kiên cường của nhân dân, đặc biệt là cư dân vùng đảo như huyện Lý Sơn.
Những cốt cách văn hóa, những truyền thuyết kiêu hùng và những câu chuyện đầy màu sắc vẫn hiện diện đậm nét tại Cù Lao Ré – Lý Sơn cho đến ngày nay, cùng với vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời đã tạo nên một sức hấp dẫn đặc biệt cho đảo này, biến nó thành điểm đến không thể
bỏ qua bởi sự kết hợp tinh tế giữa vẻ đẹp tự nhiên và sự ấm áp của cộng đồng địa phương. Giờ đây, Lý Sơn không chỉ là một trung tâm du lịch biển đảo mà còn là một “miền tâm thức”, nhất là đối với những ai thích lần giở trang sử Việt và khám phá văn hoá biển miền Trung.
Lý Sơn – chứng nhân lịch sử cho tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hãy một lần đến với huyện đảo Lý Sơn để trải nghiệm, cảm nhận những vẻ đẹp từ thiên nhiên, lịch sử, văn hóa và con người nơi đây, bạn nhé!
Hồ Minh Khánh – Trạng Tư