Mặc dù đã có nhiều biện pháp ngăn chặn và xử lý, nhưng thời gian qua, tình trạng mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều vụ được phát hiện với số tiền vi phạm lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, gây thất thu thuế cho Nhà nước và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp. Qua đó, hành vi mua, bán trái phép hóa đơn gây thất thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước, cũng như ‘tiếp sức’ cho nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác như: trốn thuế, buôn lậu, lừa đảo…
Cụ thể, mới đây, CATP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng về hành vi mua, bán trái phép hóa đơn. Các đối tượng này đã dùng thủ đoạn mua căn cước công dân của người dân để thành lập các công ty, DN “ma”, thực hiện mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống để trục lợi bất chính. Theo đó, các đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Lê Thiện Nhật Thi (SN 1989) và Lò Ái Nhi (SN 1991) cùng trú tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh; Trần Vinh Sơn (SN 1988, trú tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Tô Diễm Xuân (SN 1994, trú tại huyện Phong Điền, TP Huế) về hành vi mua bán trái phép hóa đơn.
Theo kết quả điều tra, đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng do Lê Thiện Nhật Thi cầm đầu đã thành lập trên 80 công ty nhưng không tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh thực tế nào mà chỉ để thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng khống. Từ năm 2022 đến nay, Lê Thiện Nhật Thi, Lò Ái Nhi, Trần Vinh Sơn, Diễm Xuân và một số đối tượng khác đã xuất bán hơn 20.000 hóa đơn giá trị gia tăng cho các công ty, DN tại nhiều tỉnh, TP trong cả nước với tổng số tiền giao dịch qua tài khoản ngân hàng là hơn 10.000 tỷ đồng, tổng số tiền hàng hóa sau thuế ghi trên hóa đơn khoảng 2.150 tỷ đồng, thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.
Qua điều tra, nhóm đối tượng này đã dùng thủ đoạn là mua căn cước công dân của người dân rồi về sử dụng để thành lập các công ty, DN “ma” để thực hiện mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống, chủ yếu là hóa đơn các mặt hàng vật liệu xây dựng như cát, sỏi và đá, làm thất thu ngân sách Nhà nước và thu lợi bất chính số tiền lớn. CATP Gia Nghĩa đã thu giữ hơn 80 mẫu hộp dấu của các công ty “ma”, hơn 70 căn cước công dân để sử dụng vào việc thành lập công ty, trên 120 hồ sơ thành lập công ty “ma”, 8 điện thoại; 3 bộ máy tính, máy in, máy móc các loại và các tài liệu liên quan đến việc mua bán hóa đơn giá trị gia tăng. Vụ án đang được tiếp tục mở rộng điều tra.
Ngày 15/01/2025, tại số 414, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM – Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam; Tạp chí điện tử Việt Nam Hương Sắc chủ trì do Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tổ chức buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, Bộ luật hình sự năm 2015 và một số điểm mới cho một số người dân và doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tại đây, các doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE và một số người dân đặc biệt quan tâm đến tình trạng mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng tương tự như vụ án mà CATP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng về hành vi mua, bán trái phép hóa đơn…
Phân tích dưới góc độ pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn cho biết các hành vi mua, bán hóa đơn cũng có thể coi là một dạng của hành vi “sử dụng không hợp pháp hóa đơn”. Và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì những hành vi mua, bán trái phép hóa đơn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đối với hành vi “cho, bán hóa đơn” sẽ bị xử phạt tiền từ 15 triệu đến 50 triệu đồng và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy hóa đơn và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Đồng thời, hành vi mua bán hóa đơn cũng có thể là hành vi “sử dụng không hợp pháp hóa đơn” và sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cùng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.
Theo TS. Hồ Minh Sơn chia sẻ nếu hành vi “để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm” thì người vi phạm sẽ bị xử phạt về hành vi trốn thuế, với mức phạt tiền từ 1 lần đến 3 lần số thuế trốn, cùng với các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách Nhà nước và buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có). Căn cứ tại quy định tại Điều 203, Bộ luật hình sự năm 2015, hành vi mua, bán hóa đơn ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”, với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Cạnh đó, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trong khi đó, nếu pháp nhân thương mại phạm tội này sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng nếu thuộc trường hợp: gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người; gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra, hoặc được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Căn cứ quy định tại các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311, nếu hành vi mua, bán hóa đơn để trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Mặt khác, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Căn cứ quy định tại Điều 79, Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với pháp nhân thương mại phạm tội “Trốn thuế” thì sẽ bị phạt tiền từ 300 triệu đến 10 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Pháp nhân thương mại phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 2 Thông tư liên tịch 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC quy định về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chửng từ thu nộp ngân sách nhà nước, cụ thể như sau: In trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi tự in hóa đơn hoặc tự khởi tạo hóa đơn điện tử khi không đủ điều kiện hoặc không đúng, không đầy đủ các nội dung theo qui định của pháp luật; In hóa đơn giả hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả; Phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi lập tờ thông báo phát hành không đầy đủ nội dung; không gửi hoặc không niêm yết tờ thông báo phát hành hóa đơn theo đúng qui định; Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gồm các hành vi sau đây: Mua, bán hoá đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo qui định; Mua, bán hoá đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hoá, dịch vụ kèm theo; Mua, bán hoá đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ; Mua, bán, sử dụng hoá đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hoá, dịch vụ giữa các liên của hoá đơn.
Dựa vào căn cứ nêu trên, thì việc mua bán mua bán trái phép hóa đơn sẽ bao gồm những hành vi sau đây: Mua, bán hoá đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo qui định; Mua, bán hoá đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hoá, dịch vụ kèm theo; Mua, bán hoá đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ; Mua, bán, sử dụng hoá đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hoá, dịch vụ giữa các liên của hoá đơn.
Căn cứ theo khoản 9, Điều 3, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
TS. Hồ Minh Sơn giải thích từ ngữ trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: Sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ là việc sử dụng: Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định; sử dụng hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); sử dụng hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả; sử dụng hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn; sử dụng hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác; sử dụng hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra; sử dụng hóa đơn, chứng từ mà cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.
Căn cứ tại khoản 2, Điều 4, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định về hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ như sau: Hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ; Sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ: Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định; Hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả;
Do vậy vậy, hóa đơn khống được hiểu là hóa đơn đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP có quy định như sau: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; thời hạn được coi là chưa bị xử phạt; thời hạn truy thu thuế
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 02 năm; Thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn được quy định như sau:Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện quy định tại điểm c khoản này thì thời hiệu được tính từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm. Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hóa đơn là 02 năm.
Như vậy, bên cạnh các biện pháp tăng cường siết chặt công tác quản lý sử dụng hóa đơn để chống thất thu thuế, cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chương trình phối hợp giữa các ngành liên quan nhằm trao đổi thông tin, tài liệu, dữ liệu, truy vết những người nộp thuế có dấu hiệu mua bán hóa đơn, góp phần phòng ngừa, trấn áp tội phạm trong lĩnh vực quản lý thuế và hóa đơn…
Văn Hải – Trần Danh (CTVTVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)