Gần đây, xuất hiện những vụ việc người vi phạm giao thông chống đối, lăng mạ, khiêu khích hoặc tấn công lực lượng CSGT đã gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. Mặc dù đã có nhiều trường hợp đã bị xử lý trách nhiệm hình sự…Thế nhưng, tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông bỏ chạy, chống đối hiệu lệnh kiểm tra, chửi bới, ném xe, đe dọa, thậm chí tông thẳng xe vào CSGT. Ngoài ra, còn có tình trạng tài xế say xỉn, chống đối kiểm tra nồng độ cồn… những hành vi này nhẹ thì gây thương tích, nặng thì dẫn đến thiệt hại về người và tài sản.
Ảnh tài xế xe Mazda không chấp hành hiệu lệnh khi CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, lùi ô tô rồi quay đầu tông xe vào tổ công tác (ảnh cắt từ clip)
Cụ thể, vào sáng ngày 22/01/2024 vừa qua, Đội CSGT-TT Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã chuyển vụ việc tài xế ô tô con tông vào lực lượng CSGT-TT để thông chốt kiểm tra nồng độ cồn sang cho cơ quan điều tra thụ lý, điều tra vụ việc. Tối 21/1, khi làm nhiệm vụ đo nồng độ cồn trên đường Trần Phú, tổ công tác thuộc đơn vị yêu cầu tài xế xe Mazda đi vào lề đường kiểm tra.
Trước đó, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố Đặng Đình Vượng, nam sinh lớp 12, về hành vi “Chống người thi hành công vụ” sau khi đối tượng này lái xe máy vượt chốt tuần tra, tông Thiếu tá CSGT Hồ Sỹ Tích dập phổi. Sau đó, ngày 15/01/2024, tại Km 1101+400 trên tuyến quốc lộ 1A, tổ công tác Trạm CSGT Đức Phổ (Quảng Ngãi) dừng xe đầu kéo BKS 61C-388.39 kéo theo rơ-moóc BKS 51R-137.99 để kiểm tra nhưng bị tài xế chống đối. Khi tổ công tác yêu cầu xuống xe, tài xế đã lấy từ cabin con dao dài khoảng 25cm nhảy xuống đất đe dọa, tấn công tổ công tác.
Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) cho thấy, trong 10 năm qua đã xảy ra hơn 360 vụ chống đối CSGT. Hậu quả khiến 4 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 194 người khác bị thương. Dĩ nhiên, những hành vi chống đối người thi hành công vụ nói trên bị dư luận bất bình, lên án và xử lý…Năm 2023, xảy ra 79 vụ chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT, khiến 1 CSGT hy sinh, 44 cán bộ chiến sĩ bị thương. So với năm 2022, số vụ chống người thi hành công vụ năm 2023 tăng 53 vụ (203%), là một con số thực sự đáng báo động. Từ đó cho thấy, thể hiện sự coi thường pháp luật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm ATGT, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của cán bộ, chiến sĩ khi thi hành công vụ.
Trong khi đó, trên thế giới, cảnh sát Mỹ được coi là lực lượng mạnh tay đối với việc xử lý các đối tượng chống đối người thi hành công vụ. Tòa án tối cao Mỹ đã cho phép hành vi dùng vũ lực có thể dẫn đến chết người từ năm 1989, trong điều kiện cảnh sát cảm nhận được mối nguy hiểm sắp xảy ra một cách hợp lý. Khi tuần tra, cảnh sát Mỹ luôn mang theo súng và được phép “khai hỏa” trong rất nhiều trường hợp khi nghi phạm có dấu hiệu bất tuân mệnh lệnh hoặc chống đối.
Tương tự, cảnh sát ở Na Uy, New Zealand, Anh, Ireland và một số quốc gia khác khi thực hiện nhiệm vụ hàng ngày thường không mang theo súng. Thế nhưng, khi tình hình trật tự trị an trở nên phức tạp hơn thì nhiều nước cũng phải điều chỉnh tăng thêm chế tài cho lực lượng thực thi công vụ. Sau các vụ khủng bố xảy ra trong những năm gần đây, nhiều quốc gia như Anh, New Zealand hay Na Uy phải xem xét lại quy định dùng súng…
Chia sẻ về điều này, ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) khẳng định hoạt động kiểm soát nồng độ cồn có ý nghĩa là góp phần ngăn chặn nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Tuy nhiên, có vẻ như nhiều đối tượng đến nay vẫn không nhận thức điều này hoặc bị chính “hơi men”, có thể lợi dụng hơi men mà sẵn sàng thực hiện những hành vi xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của người thực thi công vụ. Đặc biệt, tình trạng chống người thi hành công vụ nói chung, nhất là với CSGT ngày càng manh động hơn. Trước đây, người vi phạm thường xin xỏ để được bỏ qua, nếu không được sẽ quay ra khiêu khích, sau đó mới đến chống đối. Nhưng hiện nay, người vi phạm thường liều lĩnh tấn công thẳng lực lượng CSGT.
Theo ông Sơn xuất hiện quá nhiều vụ tấn công CSGT, cố tình chống đối người thi hành công vụ, trốn đo nồng độ cồn xảy ra, nhiều người đã bị xử lý hình sự. Có thể hiểu, tâm lý người vi phạm thường nghĩ việc bị xử phạt là điều gì đó ghê gớm nên họ tìm đủ cách để đối phó. Qua đó, chắc chắn với nhiều người, khi đã ngồi sau song sắt nhà tù, họ sẽ cảm thấy ân hận vì những phút giây bột phát sẽ như thế nào. Nếu chấp hành đo nồng độ cồn, chấp nhận việc bị xử phạt hành chính, họ đâu phải vướng vòng lao lý như bây giờ? Cái giá mà họ phải trả là quá đắt, nếu nhìn nhận nguyên nhân dẫn tới sự việc.
Ông Hồ Minh Sơn dẫn chứng một số nguyên nhân, các chế tài xử lý vi phạm giao thông hiện đã tương đối nghiêm khắc, mặc dù vậy vẫn cần nghiên cứu thêm để làm sao tạo được sự răn đe: Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong thời gian qua bị buông lỏng. Một bộ phận không ít lái xe thiếu đạo đức nghề nghiệp, cố tình vi phạm luật giao thông. Khi bị kiểm tra, kiểm sóat thì manh động, chống đối, chửi bới, lăng mạ lực lượng làm nhiệm vụ; Chế tài xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT thời gian gần đây có mức xử phạt tăng cao đối với nhiều hành vi vi phạm, dẫn đến việc đối tượng vi phạm chống đối quyết liệt nhắm trốn tránh việc bị xử lý.
Cùng với đó, quy định của pháp luật về xử lý hành vi chống lại người thi hành công vụ còn nhẹ chưa đủ sức răn đe. Nhiều vụ chống lại lực lượng CSGT đáng lẽ phải xử lý bằng hình sự nhưng lại được các cơ quan tiến hành tố tụng cho xử lý hành chính dẫn đến đối tượng vi phạm nhờn luật làm mất đi tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa; Các hành vi chống lại lực lượng CSGT thường gặp hiện nay: không xuất trình giấy tờ; cãi lại CSGT cho rằng mình không vi phạm; chửi bới, lăng mạ, dọa dẫm, thách thức lu loa gây sự chú ý của khách qua đường và người dân xung quanh; Lôi kéo, giằng co, xô đẩy CSGT nhằm cướp lại giấy tờ, phương tiện đang bị tạm giữ; Sử dụng hung khí hoặc dùng tay chân đánh CSGT; Lao xe vào lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ làm cho CBCS CSGT phải nằm lên nắp ca bô hoặc phải nhảy bám vào cần gạt mưa, gương chiếu hậu nhưng lái xe vẫn không dừng lại mà tìm mọi cách lạng lách, đánh võng nhằm hất CSGT xuống đường để tẩu thoát; Chèn ép xe CSGT khi bị bám theo gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ và người tham gia giao thông; Khóa cửa xe tự ý bỏ đi bất hợp tác; Quay ngang xe giữa đường gây ùn tắc giao thông, ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn dẫn chứng căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) của Chính phủ có thể lên tới 30 – 40 triệu đồng; bị tước giấy phép lái xe trong vòng 22 – 24 tháng… Bên cạnh đó, Điều 330 Bộ luật Hình sự đã quy định rõ chế tài xử phạt rất nghiêm khắc đối với hành vi chống người thi hành công vụ với mức phạt có thể lên tới 7 năm tù. Tuy nhiên, đó chỉ là với vụ việc có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, còn các vụ gây hậu quả ít nghiêm trọng thường chỉ bị xử lý hành chính (Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP) với mức phạt tiền cao nhất là 8 triệu đồng.
Trong đó, theo khoản 1, khoản 2, khoản 6 điều 8 thông tư 32/2023 quy định về quyền hạn của cảnh sát giao thông (CSGT) gồm: Được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người lái xe và giấy tờ tùy thân của người trên xe đang kiểm soát.Cảnh sát giao thông còn được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định, đồng thời cảnh sát giao thông được thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định pháp luật, ông Sơn dẫn chứng thêm.
Căn cứ khoản 2 điều 16 thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về dừng xe để kiểm soát. Theo đó, việc dừng, kiểm soát xe phải đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông…Ông Sơn nói, căn cứ theo các quy định pháp luật nêu trên, cảnh sát giao thông có thể áp dụng một số biện pháp nghiệp vụ để dừng xe vi phạm có các hành vi đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông như: Thông báo cho các chốt tuần tra, kiểm soát trên, tổ chức vây ráp để dừng xe vi phạm.
Khuyến nghị thêm, ông Sơn nói theo quy định hiện tại, hành vi chống người thi hành công vụ sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng – 3 năm. Việc xử lý như vậy có lẽ chưa khiến nhiều người biết sợ. Thực tế các vụ việc cho thấy hành vi chống người thi hành công vụ xuất phát từ thái độ ngông cường, coi thường pháp luật, coi thường lực lượng làm nhiệm vụ, đây là một hành vi nghiêm trọng ảnh hưởng đến trật tự trị an của xã hội nói chung, gây bất bình trong dư luận.
Dịp này, ông Hồ Minh Sơn cho rằng những hành vi chống đối CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn có màu sắc xem thường môi trường sinh hoạt lành mạnh của cộng đồng. Không ai có quyền đứng trên pháp luật, tác oai tác quái trên đường phố để thỏa mãn động cơ thấp hèn cá nhân của mình. Trong xã hội văn minh, mọi hành vi nguy hiểm nơi công cộng đều phải được trấn áp mạnh tay. Mọi sự phân định đúng sai đã có lực lượng chức năng và mọi người đều bình đẳng trước sự chung tay xây dựng cuộc sống tiến bộ. Không ai được phô diễn sự kém ý thức và cũng không ai được nhân danh “phán quan” để đi ngược lại hành trình ấy bằng kiểu ứng xử ngang tàng và manh động.
Pháp luật là phải thượng tôn, nếu không sẽ còn tồn tại tư duy chống đối lực lượng thi hành công vụ, sẽ còn thiệt hại nhân mạng vô ích chỉ vì rượu bia và đau đớn hơn khi máu các chiến sĩ vẫn đổ giữa thời bình vì rượu bia, ma túy…Cần thiết cần phải tăng chế tài xử phạt, đưa các vụ ra xét xử lưu động nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
Viện IMRIC sẽ phối hợp với Viện IRLIE và TC Nhiếp ảnh&Đời sống thời gian sắp tới tiếp tục tuyên truyền rộng rãi trên tạp chí, các trang mạng xã hội và các trang thông tin điện tử trực thuộc về quyền hạn, nhiệm vụ của CSGT để mọi người biết và tự giác chấp hành. Viện IMRIC và Viện IRLIE sẵn sàng làm nhịp cầu nối đề xuất lãnh đạo Công an các địa phương thông qua các buổi hội thảo, toạ đàm khoa học để truyền tải ý kiến phối hợp chỉ đạo quyết liệt các cơ quan tiến hành tố tụng phải xử lý thật nghiêm đối với các trường hợp chống lại lực lượng CSGT khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm để răn đe, phòng ngừa, ông Sơn nói.
Song song đó, đối với lực lượng CSGT thực thi nhiệm vụ phải chấp hành nghiêm chế độ điều lệnh, quy trình công tác, việc dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát phải đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho phương tiện được dừng, cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ cũng như mọi người tham gia giao thông. Ngoài việc xử lý nghiêm vi phạm, nghiên cứu tăng nặng chế tài, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho mọi người, để ai cũng hiểu không nên trả một cái giá quá đắt khi chỉ vi phạm giao thông thông thường…
Văn Hải – Trần Danh