Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng len lỏi và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Từ các trợ lý ảo như Siri, Alexa đến những nền tảng học tập thông minh, AI đang mở ra cơ hội lớn cho trẻ em trong việc tiếp cận tri thức, hỗ trợ học tập, khám phá và giải trí. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực, việc sử dụng AI không đúng cách có thể để lại nhiều hệ lụy tiêu cực đến sự phát triển tư duy, tâm lý và hành vi của trẻ.
Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên – Diễn giả Áo Dài, Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK, Nhà sáng lập Hành trình Khởi lửa hành trang SFVN – là một trong những chuyên gia hàng đầu trong đào tạo ứng dụng AI dành cho giáo viên và giảng viên. Trong buổi trò chuyện cùng Đài Truyền hình Vĩnh Long, bà đưa ra góc nhìn toàn diện về cả lợi ích và rủi ro mà AI mang lại cho trẻ em.
Theo Thạc sĩ Mỹ Duyên, việc trẻ tiếp xúc với AI trong học tập hay đời sống hằng ngày mang lại hiệu quả rõ rệt về tốc độ phản hồi thông tin và khả năng tiếp cận đa dạng nguồn kiến thức. Tuy nhiên, chính sự sẵn có và nhanh chóng ấy lại tiềm ẩn nguy cơ làm suy giảm khả năng tư duy logic, tính độc lập trong suy nghĩ và khả năng sáng tạo của trẻ. Bà cảnh báo: “Một số chức năng của AI hỗ trợ sáng tạo nội dung có thể khiến trẻ dần đánh mất khả năng tưởng tượng và tư duy sáng tạo – những kỹ năng rất cần thiết trong thế giới hiện đại”.
Bà Võ Thị Mỹ Duyên – Chuyên gia đào tạo ứng dụng AI cho giảng viên, Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK.
Không phủ nhận tính ưu việt của AI, Thạc sĩ Mỹ Duyên cũng nhấn mạnh vai trò định hướng của phụ huynh và nhà trường. “AI thật sự là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc học tập, nhưng cần có chiến lược sử dụng đúng đắn. Phụ huynh và giáo viên nên lựa chọn những kênh AI an toàn, phù hợp với độ tuổi và nhu cầu phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, việc giới hạn thời gian sử dụng, kiểm soát nội dung truy cập và khuyến khích trẻ giao tiếp, học hỏi từ thế giới thực là vô cùng quan trọng”.
Bà cũng khuyến khích xây dựng môi trường học tập cân bằng giữa công nghệ và trải nghiệm đời sống: “Trẻ cần được rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng kiểm chứng thông tin khi sử dụng AI. Đồng thời, những trải nghiệm thực tế thông qua giao tiếp, vui chơi, khám phá thiên nhiên… sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về trí tuệ, cảm xúc và kỹ năng xã hội”.
Các chuyên gia khác nói gì về việc tác động của AI lên tâm lý của trẻ?
Bên cạnh ThS. Mỹ Duyên, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại trước những tác động tiêu cực nếu trẻ tiếp xúc với AI từ quá sớm và không có định hướng.
Bà Đinh Thị Như Hoa – Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) – cho rằng: “Trẻ em rất dễ bị nhầm lẫn chatbot là người bạn thực sự và hành động theo lời khuyên của chúng. Trong khi đó, AI không phải lúc nào cũng đưa ra những thông tin chính xác, có thể vô tình gây hiểu nhầm, dẫn đến các ảnh hưởng về tâm lý, hành vi hoặc làm giảm kỹ năng xã hội do thiếu tương tác người thật việc thật”.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần An ninh mạng SCS – ông Ngô Tuấn Anh – cũng nhấn mạnh rằng, AI mang lại tiện ích lớn trong tự động hóa và tìm kiếm thông tin, song nếu không được sử dụng đúng cách, trẻ sẽ trở nên lệ thuộc. “Tôi đã gặp không ít trường hợp người trẻ khi gặp bất cứ vấn đề gì là hỏi chatGPT, sau đó là lấy nguyên câu trả lời để đưa vào sản phẩm của mình. Việc phụ thuộc quá mức vào những công cụ trí tuệ nhân tạo như vậy chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng hạn chế, chưa kể nhiều khi sai lệch, bởi lẽ những kết quả đó chỉ mang tính gợi ý”.
Ông Ngô Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần An ninh mạng SCS (Nguồn: Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam VOV).
AI không phải là “kẻ thù” của trẻ nhỏ, mà ngược lại, nếu được sử dụng đúng cách, đây sẽ là người bạn đồng hành lý tưởng trong hành trình phát triển tri thức và kỹ năng. Tuy nhiên, để AI thực sự phát huy vai trò hỗ trợ thay vì thay thế, cần có sự đồng hành chặt chẽ của phụ huynh, nhà trường và xã hội trong việc xây dựng thói quen sử dụng công nghệ lành mạnh.
Cân bằng giữa trải nghiệm công nghệ và đời sống thực tế, giữa tiếp nhận thông tin và phản biện thông tin, giữa hỗ trợ và sáng tạo cá nhân – đó chính là chìa khóa để giúp trẻ em phát triển toàn diện trong kỷ nguyên AI.
Bùi Thu Hương