Ngày 29/11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) đã tổ chức công bố Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025 gồm 4 môn học; bao gồm thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, bao gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Như vậy, kể từ năm 2014 sau khi thực hiện giảm áp lực thi cử theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, thi tốt nghiệp THPT đã có nhiều thay đổi về phương thức thi và tên gọi phù hợp với quy định.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà – Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển Nhân lực phát biểu chỉ đạo phiên họp thống nhất Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (ngày 14/11/2023).
Năm 2014, số môn thi tốt nghiệp THPT thí sinh phải thực hiện là 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý; trong đó hình thức bài thi môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý là tự luận; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học là thi trắc nghiệm; riêng môn Ngoại ngữ vừa trắc nghiệm vừa thi viết. Đến năm 2015, đây là lần đầu tiên Bộ GDĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với hai mục đích là vừa xét tốt nghiệp THPT và vừa xét tuyển đại học, cao đẳng, do vậy còn được gọi là kỳ thi “2 trong 1”; để xét tốt nghiệp THPT thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn từ các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý; trong đó Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi tự luận, các môn còn lại là Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học được tổ chức thi trắc nghiệm. Giai đoạn 2017-2019, tiếp tục kỳ thi THPT quốc gia nhưng có một số thay đổi về môn thi: thí sinh phải làm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (học sinh giáo dục thường xuyên chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ văn) và 1 bài tự chọn theo tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hay Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với học sinh THPT; Lịch sử, Địa lý với học sinh giáo dục thường xuyên); trong đó chỉ có môn Ngữ văn là thi tự luận, các môn học còn lại thi trắc nghiệm; kết quả kỳ thi dùng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Kể từ năm 2020 đến nay, kỳ thi THPT quốc gia được đổi tên thành “Thi tốt nghiệp trung học phổ thông”, theo quy định của Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/7/2020; trong kỳ thi này thí sinh vẫn phải thực hiện 4 bài thi, gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn theo tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hay tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân); và vẫn duy trì Ngữ văn là môn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm. Kể từ năm 2025 trở đi, thi tốt nghiệp THPT thí sinh chỉ phải thực hiện 2 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn thi tự chọn trong số các môn học còn lại của lớp 12 theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, bao gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Như vậy, phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã được Bộ GDĐT công bố sau khi đã được Hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển Nhân lực góp ý, hoàn chỉnh và bỏ phiếu thông qua sau khi đã tổ chức thực hiện đầy đủ các bước trước đó theo quy định (xây dựng dự thảo đề án, lấy ý kiến – góp ý rộng rãi, hoàn thiện đề án). Việc điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT lần này là nhằm tiếp tục thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW, với yêu cầu cụ thể là “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”. Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được Hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển Nhân lực thông qua cũng đã thực hiện đúng theo quan điểm, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của Bộ GDĐT về công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém, bảo đảm độ tin cậy, đánh giá đúng năng lực, tạo đồng thuận xã hội và là dữ liệu đầu vào cho việc tuyển sinh cao đẳng, đại học (Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội; Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 10/9/2023 của Chính phủ).
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ – Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & PTNL phát biểu ý kiến đóng góp Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (ngày 14/11/2023).
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sắp đến tuân thủ các quy định liên quan đến tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp của Luật Giáo dục hiện hành (Luật Giáo dục số 43/2019/QH14), yêu cầu “Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”. Đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 trở đi thực hiện theo những mục tiêu, yêu cầu và quy định của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, cụ thể là: “Giáo dục trung học phổ thông là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, bảo đảm học sinh được tiếp cận nghề nghiệp, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động”; “Bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ giữa đổi mới các kỳ thi quốc gia với kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học”.
Như vậy những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018 cho bậc trung học phổ thông được triển khai từ năm học 2022-2023 đối với các khối lớp 10, năm học 2023-2024 đối với các khối lớp 11 và năm học 2024-2025 đối với các khối lớp 12. Như vậy, việc lựa chọn các môn thi tốt nghiệp THPT kể từ năm 2025 là phù hợp với nội dung chương trình dạy và học xuyên suốt từ lớp 10 đến lớp 12 (17 môn học), bao gồm 8 môn học bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương) và 4 môn học tự chọn trong số 9 môn không phân theo nhóm môn như trước đây (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật). Về tổng thể, các môn học được lựa chọn cho thi tốt nghiệp THPT là 11 môn học trong số 17 môn học, bao gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ; trong đó thí sinh phải thi 2 môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán, 2 môn tự chọn trong số 9 môn còn lại. Như vậy việc thực hiện phương án thi bắt buộc 2 môn học (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn đã thực hiện đúng theo tinh thần giảm áp lực thi cử cho thí sinh và cũng tạo sự phong phú (36 tổ hợp môn học) và chủ động cho việc lựa chọn các môn học phù hợp với năng lực của thí sinh và ngành nghề chọn lựa vào cao đẳng hoặc đại học. Kết quả thi tốt nghiệp THPT với 4 môn học cũng là rất phù hợp cho thí sinh để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học đáp ứng theo các khối ngành học dựa trên mã tổ hợp môn học đã dự thi THPT.
Do vậy, trong 3 môn thi bắt buộc trước đây (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) cần phải chọn 2 môn thi bắt buộc và 1 môn thi tự chọn thay thế cho bài thi tổ hợp 3 môn trong kì thi tốt nghiệp THPT kể từ năm 2025 nhằm giảm tải cho thí sinh là hoàn toàn cần thiết. Thật vậy, kết quả giáo dục theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình GDPT 2018) chủ yếu được đánh giá thông qua quá trình đánh giá thường xuyên, định kì ở các cơ sở giáo dục trong suốt quá trình hình thành năng lực và phẩm chất của học sinh các cấp học. Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới là nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt và sự tiến bộ của người học trong suốt quá trình thực hiện chương trình; cơ sở đánh giá là phải dựa trên các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình từng môn học cụ thể đã được ban hành.
Việc không đưa ngoại ngữ vào môn bắt buộc mà chỉ là 1 trong 9 môn thi tự chọn (thí sinh chọn 2 môn thi) trong phương án thi tốt nghiệp THPT kể từ năm 2025 là sự chọn lựa dưa trên cơ sở thực tiễn khoa học và mục tiêu giáo dục phù hợp với năng lực và phẩm chất người học. Trong phươn án thi mới, Ngữ văn vẫn là môn thi bắt buộc theo hình thức tự luận là hoàn toàn phù hợp vì đây là môn học rất quan trọng giúp học sinh phát triển và hình thành phẩm chất và năng lực trong suốt quá trình giáo dục từ giáo dục mầm non (trẻ nhỏ bắt đầu tiếp cận với Ngôn ngữ là 1 trong 6 môn học của chương trình giáo dục mầm non [GDMN] hiện nay và chương trình GDMN mới sẽ được ban hành), đến giáo dục phổ thông. Ngoài ra, Ngữ văn cũng là môn học quan trọng vì có phạm vi ảnh hưởng đến sự hình thành phẩm chất và năng lực các môn học khác thông qua những kỹ năng mang tính đặc thù về ngôn ngữ diễn đạt, kiến thức văn chương, tri thức văn học; bên cạnh đó môn học Ngữ văn đã được trẻ nhỏ và học sinh tiếp cận rất sớm trong chương trình giáo dục quốc dân, giúp hình thành những phẩm chất cơ bản tốt đẹp của con người Việt Nam về tình yêu quê hương đất nước, những tình cảm tốt đẹp hướng đến “Chân, Thiện, Mỹ”; Ngữ văn cũng là môn học giúp học sinh các cấp diễn đạt tốt hơn những kỹ năng của những ngôn ngữ khác (Ngoại ngữ), giúp hình thành và củng cố tư duy hình tượng hóa các hệ thức, các biểu thức mang tính lôgíc của ngôn ngữ Toán học. Bên cạnh đó, việc lực chọn Toán là môn thi bắt buộc là hoàn toàn hợp lý vì đây cũng là môn học 1 trong 6 môn học được định hướng trong chương trình GDMN và là 1 trong 8 môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông. Toán học cũng là môn học rất quan trọng trong việc hình thành các năng lực và phẩm chất của học sinh về những kỹ năng đặc thù và mang tính bao phủ thuộc phạm trù tư duy lôgíc, năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn mang thuộc tính khoa học và thực tiễn.
Ngoại ngữ sẽ là 1 trong 9 môn thi tự chọn trong phương án thi tốt nghiệp THPT kể từ năm 2025 cũng là lực chọn hợp lý, vì đây cũng là 9 môn học quan trọng vừa giúp hình thành những phẩm chất và năng lực toàn diện của học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, vừa mang tính định hướng năng lực hội nhập quốc tế và tiềm năng của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Thực tiễn hiện nay cho thấy chất lượng dạy – học môn Ngoại ngữ không đồng đều trong cả nước vì phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên, điều kiện kinh tế xã hội vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới – hải đảo khác với các thành phố lớn và các tỉnh thành. Hình thức thi môn Ngoại ngữ trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT trong thời gian vừa qua, hiện nay và kể từ năm 2025 trở đi vẫn là thi trắc nghiệm nên cũng sẽ không đánh giá toàn diện được các năng lực nghe, nói, viết của thí sinh nên kết quả thi chỉ mang tính tham khảo hỗ trợ một phần trong việc đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh được hình thành và đánh giá chủ yếu trong suốt quá trình học tập; kết quả thi Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng nhằm phát hiện và định hướng cho những học sinh có năng lực chuyên biệt về ngoại ngữ trong định hướng chọn lựa nghề nghiệp khi theo học chuyên ngành cao đẳng và đại học.
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ – Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & PTNL thăm cơ sở Trường dân tộc bán trú tại Lai Châu (tháng 11/2023).
Tóm lại, việc thống nhất phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được Bộ GDĐT công bố sau khi đã được Hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển Nhân lực biểu quyết thống nhất, bao gồm thi bắt buộc 2 môn môn Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số 9 môn học (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ), là phù hợp với yêu cầu chung của thực tiễn phát triển đất nước và những mục tiêu chuyên biệt của chương trình giáo dục mới. Tuy nhiên, trong tương lai, Bộ GDĐT cần tiếp tục có những đổi mới hơn nữa trong việc tiếp tục giảm áp lực thi cử cho học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tăng cường bảo đảm chất lượng trong đánh giá thường xuyên, định kỳ học sinh trong quá trình giáo dục các cấp, đổi mới trong phương thực thi mang tính hiện đại, chuyên nghiệp và vận dụng các thành tựu khoa học công nghệ số – trí tuệ nhân tạo trong các khâu xây dựng ngân hàng đề thi, thi và đánh giá kết quả. Đặc biệt là cần phải định hướng phân luồng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học song hành với giáo dục thường xuyên và xã hội học tập mang tính liên thông -liên kết trong quá trình triển khai chương trình giáo dục và cần lưu ý đến các đối tượng người học là đồng bào dân tộc, người yếu thế để tiếp tục đạt được những thành tựu như hiện nay trong quá trình tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 29-NQ/TW của Bộ Chính tri./.
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ – Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & PTNL