Vừa qua, một số tổ chức và cá nhân đã gửi thư đến Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) tìm hiểu liên quan đến việc mất tài sản và nhặt tài sản…
Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể sau: Việc trông giữ xe là hoạt động diễn ra hằng ngày tại các nhà hàng, quán cà phê, quán internet. Do đó, nếu khách hàng bị mất xe máy ở nhà hàng, quán cà phê, quán internet thì ai phải chịu trách nhiệm?. Bên cạnh đó, nhặt tài sản của người khác mà cố tình không trả lại sẽ tùy thuộc vào giá trị tài sản nhặt được mà người nhặt có thể sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mất xe máy tại quán cà phê, ai chịu trách nhiệm?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, điều 119 Bộ Luật Dân sự 2015, việc trông giữ xe của khách hàng tại các nhà hàng, quán cà phê, quán internet là một loại giao dịch dân sự có thể xác lập bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Trong trường hợp nếu nhà hàng, quán cà phê, quán internet có vé gửi xe hoặc có thỏa thuận gửi giữ xe dưới các hình thức trên thì đều có thể xem là giao kết hợp đồng gửi giữ được quy định tại điều 554 Bộ Luật Dân sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Qua đó, bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Đối với nghĩa vụ của bên giữ tài sản, căn cứ theo quy định tại điều 557 Bộ Luật Dân sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, bên giữ tài sản phải bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ. Ngoài ra, bên giữ tài sản còn phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Vì vậy, trong trường hợp mất xe máy, quán internet, quán cà phê, nhà hàng phải bồi thường cho khách hàng theo giá trị của chiếc xe, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng. Trường hợp nếu quán không có thông báo về việc nhận giữ xe cho khách trong thời gian khách sử dụng dịch vụ thì quán internet, quán cà phê, nhà hàng không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng nếu mất xe máy.
Nhặt tài sản của người khác không trả lại có bị xử lý hình sự?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ theo Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015, người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó.
Trong đó, nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
UBND cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.
Đối với hành vi nhặt tài sản của người khác mà cố tình chiếm giữ, không trả lại là vi phạm quy định, người vi phạm có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/202. Mức phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người nước ngoài có hành vi vi phạm thì bị trục xuất. Người vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Lưu ý: Mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền với tổ chức gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Đồng thời, căn cứ theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người nhặt tài sản của người khác mà cố tình không trả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Như vậy, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 – 5 năm.
Dưới sự chủ trì của Viện IMRIC phối hợp với Viện IRLIE, Trung tâm Tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương trên cả nước tổ chức nhiều Chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân nắm bắt đầy đủ hơn các quyền của mình. Từ đó, các kiến thức pháp luật hứa hẹn sẽ được “mềm hóa” và thu hút sự tham gia hưởng ứng đầy sôi nổi, tích cực của nhiều người.
Với mong muốn thông qua tham vấn pháp lý, chương trình truyền tải thông điệp đến giới trẻ về ý thức trau dồi, rèn luyện bản thân để tạo giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội, tránh sa ngã vào những thú vui không lành mạnh, chọn lối sống buông thả, ích kỷ, lười lao động để rồi phải vướng vào vòng lao lý.
Đây là mô hình do Trung tâm Tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) thực hiện theo chỉ đạo của Viện IMRIC và Viện IRLIE phối hợp với các địa phương với mong muốn tuyên truyền, phổ biến, vận động sâu rộng cho người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật. Mong rằng, người dân và doanh nghiệp khi xem để tích lũy thêm cho mình những kiến thức pháp luật cần thiết, đồng thời nâng cao ý thức cảnh giác đối với tội phạm trộm cắp tài sản, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, góp phần vào công tác phòng, chống tội phạm và giữ gìn an ninh, trật tựtại các địa phương…
Trung tâm Tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) là đơn vị được giao thực hiện chức năng xã hội thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cộng đồng. Với nguồn lực cán bộ, chuyên gia pháp lý hàng đầu cả nước, luật gia, luật sư, tư vấn viên và cộng tác viên tư vấn pháp luật có năng lực chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, đào tạo, năng động, nhiệt huyết, trong thời gian qua, các chương trình do Trung tâm thực hiện luôn nhận được sự đánh giá cao và tích cực từ các cơ quan, đơn vị phối hợp bởi nội dung mang tính thời sự, thiết thực, gần gũi với đời sống xã hội, hình thức thực hiện chương trình đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng tuyên truyền. Ngoài ra, công tác này luôn được quan tâm đầu tư chỉnh chu, chuyên nghiệp, từ đó thu hút được sự quan tâm theo dõi của những người dân và doanh nghiệp.
Văn Hải – Thanh Tuyền (TVV, CTV TVPL thuộc Trung tâm TTLCC)