Tại sao CSGT không phạt xe tự chế chở vật liệu sắc nhọn, cồng kềnh một cách ‘khắc nghiệt’ như xử lý tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn, khi chúng có thể gây chết người?
Thật đau xót khi năm nào cũng có một số vụ tử vong hay bị thương nặng do những chiếc xích lô, xe ba bánh, xe tự chế… chở vật liệu sắc nhọn kích thước cồng kềnh và không hề có lớp bọc bảo vệ. Có người bị nạn vì ngã xuống đường sau va chạm, nhưng kinh hãi, thảm khốc nhất là những người bị thanh sắt nhọn đâm xuyên người, hay bị góc, cạnh sắc như dao kiếm của những tấm tôn cứa vào cổ.
Đó là những cái chết gây ám ảnh khủng khiếp. Vì thế mà sau mỗi vụ tai nạn, báo chí lên tiếng, dư luận thểhiện sự bức xúc, đề nghị các cơ quan chức năng kiểm soát chặt vi phạm của các loại xe này.
Nhưng rồi chuyện lắng dần đi, người ta lại thấy xuất hiện những bó sắt dài gấp mấy lần chiếc xe chở nó, phần lớn chiều dài thò ra khỏi thùng xe và thõng thượt quệt qua quệt lại trên phố. Rồi người đi đường lại rùng mình ớn lạnh khi thấy lướt qua họ là những tấm tôn to như tấm nệm giường được buộc sơ sài, ngất ngểu, rung rinh trên xe.
Nếu có va chạm, cạnh những tấm tôn sắc như dao kiếm này rất dễ lấy mạng người. (Ảnh: Ngô Nhung)
Chưa nói đến chuyện những chiếc xe đó có đủ điều kiện lưu hành hay không, riêng việc chuyên chở hàng hóa kích thước cồng kềnh như vậy đã là vi phạm. Hơn thế, đó là loại hàng hóa có thể gây sát thương, nhưng không được người vận chuyển đóng gói, bao bọc kỹ lưỡng để che đi những mũi nhọn, cạnh sắc, khiến chúng cứ như kiếm tuốt trần. Và cứ cách một đoạn thời gian, chúng lại tạo ra các nạn nhân xấu số mới.
Điều không thể hiểu nổi là lại sao những chiếc xe tử thần đó cứ luôn xuất hiện trở lại như cỏ dại không bao giờ nhổ hết, xuất hiện một cách ngang nhiên như không sợ ai? Trong khi ô tô, xe máy vi phạm khó tránh việc bị giữ lại lập biên bản và nhận hình thức xử lý nghiêm khắc, các loại xe trên dường như nhận được sự bao dung kỳ lạ của lực lượng chức năng.
Đương nhiên, đã có những chiếc xe tự chế chở vật liệu cồng kềnh sắc nhọn bị giữ và người điều khiển chúng bị phạt, nhưng tỷ lệ “thoát” đủ cao để loại xe này vẫn tiếp tục xuất hiện. Với họ, chiếc xe là phương tiện mưu sinh, nếu mất đi thì thiệt hại quá lớn. Sẽ chẳng ai dám mạo hiểm vì tiền công chở một chuyến hàng mà để bị giữ “cần câu cơm”.
Thực tế cho thấy, một quy định dù có gây tranh cãi lớn thế nào do “đụng chạm” đến thói quen tùy tiện của một số người thì khi được áp dụng triệt để, hầu hết người dân đều sẽ tuân thủ nghiêm túc. Quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, hay cấm hoàn toàn nồng độ cồn khi lái xe chính là bằng chứng.
Cũng như thế, đường phố sẽ không còn “xe máy chém” đe dọa cướp mạng người nếu lực lượng chức năng hễ phát hiện là xử lý. Vậy tại sao CSGT không phạt loại vi phạm có thể gây chết người này một cách “khắc nghiệt” như xử lý vi phạm nồng độ cồn?
Không có lý do gì mà các loại xe ba bánh, xe tự chế, xích lô lại không được đối xử bình đẳng với ô tô, xe máy trong việc tuân thủ luật pháp và xử lý vi phạm. Đừng phân biệt xe to hay xe nhỏ, xe sang hay xe “cùi bắp”, chỉcần dựa vào nguyên tắc bất biến: Thượng tôn pháp luật và đặt sự an toàn của người dân lên trên hết.
Trung Hà
https://vtc.vn/xe-tu-che-cho-ton-sat-nhan-nhu-ke-say-sao-csgt-lam-ngo-ar847855.html