Tâm lý học Phật giáo (Duy Biểu Học) cho rằng tâm ta có ít nhất là hai phần lớn: ý thức và tàng thức. Tàng thức là phần dưới của tâm, nơi chứa đựng các loại hạt giống của suy tư, cảm thọ.
Hạt giống thương yêu, trung thành, tha thứ, vui tươi và hạnh phúc, nhưng cũng có những hạt giống khổ đau như giận dữ, hận thù, kỳ thị, sợ hãi, bực bội, bất an, v.v. Tất cả những tài năng và yếu kém của tổ tiên trao truyền lại cho ta qua cha mẹ ta, ở sâu trong tàng thức dưới hình thức hạt giống.
Tàng thức giống như cái nhà kho, trong khi đó, ý thức, phần cao hơn, thì giống như phòng khách. Hạt giống được cất giữ trong kho và bất kỳ khi nào bị kích thích hay tưới tẩm, chúng sẽ đi lên và biểu hiện lên trên mặt ý thức.
Chúng không còn là hạt giống ngủ yên nữa mà là một vùng năng lượng, gọi là tâm hành. Nếu là hạt giống thiện như chánh niệm, từ bi thì chúng là một vị khách quý đem đến cho ta nhiều hạnh phúc. Nhưng nếu hạt giống bất thiện bị kích thích, tưới tẩm thì nó sẽ xâm chiếm phòng khách của ta như một vị khách khó tính đến không đúng lúc.
Chẳng hạn như khi xem tivi, có thể hạt giống tham dục trong ta bị chạm đến và đi lên biểu hiện trên mặt ý thức thành năng lượng tham đắm. Một ví dụ khác là khi hạt giống giận dữ nằm ngủ yên trong tàng thức thì ta thấy hạnh phúc, tươi vui. Nhưng khi có người đến nói hay làm điều gì đó tưới tẩm hạt giống giận ấy thì nó sẽ biểu hiện trên mặt ý thức thành một vùng năng lượng giận.
Chúng ta thực tập tiếp xúc và tưới tẩm những hạt giống hiền thiện để chúng biểu hiện trong đời sống hằng ngày của ta, mà không tưới tẩm những hạt giống tham lam, thù hận. Trong đạo Bụt ta gọi sự thực tập này là Tứ Chánh Cần.
Ở Làng Mai gọi là tưới tẩm hạt giống tốt. Chẳng hạn như khi những hạt giống bạo động, hận thù nằm yên trong tàng thức thì ta thấy an vui. Nhưng nếu ta không biết cách chăm sóc tâm thức ta thì những hạt giống này sẽ không ngủ yên, trái lại nó sẽ bị tưới tẩm và biểu hiện.
Lấy chánh niệm làm dịu tâm hành
Điều quan trọng là phải ý thức, khi hạt giống bất thiện biểu hiện trên mặt ý thức thì đừng để nó một mình. Bất cứ khi nào thấy tâm hành khổ đau biểu hiện thì ta gọi hạt giống chánh niệm lên, chánh niệm như một nguồn năng lượng thứ hai có khả năng nhận diện, ôm ấp và làm lắng dịu những tâm hành tiêu cực để có thể nhìn sâu và tìm ra nguồn gốc của nó.
Hầu hết chúng ta ai cũng có giận hờn và khổ đau. Có thể trong quá khứ ta đã đè nén hoặc đối xử không tốt nên những khối khổ đau ấy vẫn còn đó, nằm sâu trong tàng thức ta. Ta đã không xử lý và chuyển hóa những gì xảy ra cho ta và ta đã ôm cái giận dữ, hận thù, tuyệt vọng và khổ đau một mình.
Nếu hồi còn trẻ ta đã bị lạm dụng, mà ta lại tiếp tục nghĩ về chuyện đó thì giống như ta đang bị lạm dụng lại vậy. Và ta đã để cho mình bị lạm dụng đi lạm dụng lại như thế nhiều lần trong ngày. Đó là ta đang nhai lại thức ăn độc hại trong tâm thức ta.
Tuổi thơ của ta cũng có thể có nhiều giây phút hạnh phúc. Ấy vậy mà ta cứ trở đi trở lại đắm mình trong tuyệt vọng và những tâm hành không lành mạnh. Chúng ta phải tìm đến một môi trường tốt có bạn bè cùng thực tập chung với nhau, bạn bè sẽ nhắc nhở cho ta: “Này bạn, đừng nhai lại quá khứ nữa”.
Người ta thường nói: “Sao anh cứ mải mê suy nghĩ thế?” Ta có thể hỏi: “Bạn đang nhai lại cái gì vậy? Khổ đau quá khứ à?” Chúng ta có thể giúp nhau phá vỡ những suy nghĩ tiêu cực đã trở thành tập khí, để trở về tiếp xúc với những mầu nhiệm trong ta và chung quanh ta. Chúng ta có thể giúp nhau để đừng rơi vào tình trạng nhai lại những con ma khổ đau và tuyệt vọng của quá khứ.
(*) Tựa đề và tiêu đề phụ do người biên tập đặt.
Thích Nhất Hạnh/Chân Hội Nghiêm/Thaihabooks/NXB Thế giới
https://znews.vn/y-thuc-va-tang-thuc-theo-tam-ly-hoc-phat-giao-post1490926.html