Theo luật sư, trong tố tụng hình sự, biện pháp kê biên tài sản được quy định tại Điều 128 BLTTHS 2015 và chỉ được thực hiện đối với bị can, bị cáo.
Hiện nay, trong các vụ án hình sự, để đảm bảo thi hành án về sau, cơ quan tiến hành tố tụng thường quyết định kê biên nhiều tài sản là nhà, đất, xe cộ…
Điển hình như vụ sai phạm xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các tổ chức liên quan, hàng loạt bất động sản đã bị kê biên, các giao dịch về cổ phần tại SCB bị ngăn chặn…
Vậy thì pháp luật hình sự quy định như thế nào về việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản?
Theo Luật sư Trịnh Văn Hiệp (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Nam), trong tố tụng hình sự, việc biện pháp kê biên tài sản được quy định tại Điều 128 BLTTHS 2015 mà hậu quả pháp lý là những tài sản này sẽ không thể giao dịch được trong thời gian bị kê biên.
Đây là biện pháp cưỡng chế được áp dụng đối với bị can, bị cáo mà theo quy định của BLHS có thể bị phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. Trong đó, bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự (Điều 60 BLTTHS 2015) còn bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị tòa án quyết định đưa ra xét xử (Điều 61 BLTTHS 2015).
Việc kê biên tài sản phải tuân thủ một số nguyên tắc như chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.
Khi tiến hành kê biên tài sản phải có mặt bị can, bị cáo hoặc người đủ 18 tuổi trở lên trong gia đình hoặc người đại diện của bị can, bị cáo; đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi có tài sản bị kê biên và người chứng kiến. Người tiến hành kê biên phải lập biên bản, ghi rõ tên và tình trạng từng tài sản bị kê biên…