Sáng ngày 24/10/2024, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) nhận được thư của hai doanh nghiệp thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE. Qua đó, nhờ tham vấn pháp lý liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Hộ tịch…
Với hai câu hỏi trên, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTLCC) xin trả lời như sau:
Quy định về giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản như thế nào?
Căn cứ tại quy định tại Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 thì hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ (cả nữ quân nhân), cụ thể: Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con; Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết; Giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con; Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh; Giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 31 của Luật (lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con).
Căn cứ tại quy định tại Điều 102 Luật BHXH năm 2014 thì việc giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản có quy định: Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản theo quy định cho người sử dụng lao động; Trường hợp người lao động đã thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ BHXH cho cơ quan BHXH địa phương nơi cư trú; Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định và nộp cho cơ quan BHXH; Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động; Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động; Trường hợp cơ quan BHXH không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Con xa nhà có được ủy quyền cho cha mẹ ở quê cải chính hộ tịch?
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 7 Nghị định 123/2015 quy định: Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch. Đồng thời chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Căn cứ tại quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Hộ tịch năm 2014 thì việc “thay đổi, cải chính hộ tịch” cũng thuộc trường hợp tiến hành thủ tục “đăng ký hộ tịch”.
Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định: Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch được ủy quyền cho người khác thực hiện thay.
Trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện. Nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại.
Do đó, trường hợp của bạn được phép ủy quyền để cải chính hộ tịch. Lưu ý, việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.
Pháp luật luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội của mỗi quốc gia, mỗi thể chế chính trị. Pháp luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội một cách thống nhất và được bảo đảm bằng sức mạnh quyền lực của nhà nước trong tổ chức thực thi, là hành lang pháp lý cho sự ổn định và phát triển đất nước. Bên cạch đó, pháp luật còn là phương tiện để công dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Không có pháp luật, xã hội sẽ không có trật tự, ổn định, không thể tồn tại và phát triển. Pháp luật luôn là công cụ để bảo đảm dân chủ, công bằng, phù hợp với lợi ích chung của các giai cấp và tầng lớp xã hội khác nhau.
Xác định được điều này, Viện IMRIC phối hợp Viện IRLIE giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với đặc thù, chức năng, nhiệm vụ của mình, phổ biến tuyên truyền tới cán bộ, công chức, viên chức trong Viện học tập, nâng cao hiểu biết, áp dụng pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ theo các cấp vị trí việc làm; tuyên truyền, phổ biến tới người lao động trong các doanh nghiệp thuộc câu lạc bộ nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung quyền lợi hợp pháp và nghĩa vụ của mình về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như hỗ trợ, tư vấn, giải đáp, chăm sóc; mở các chuyên trang, chuyên mục, đối thoại để phục vụ người dân, doanh nghiệp tham gia tác nghiệp vào mối quan hệ về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp góp phần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của các bên trong mối quan hệ, hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên nhằm hạn chế tối đa những tồn tại, vướng mắc, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đối với doanh nghiệp.
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của Viện IMRIC và Viện IRLIE luôn muốn góp sức nhỏ vào cơ sở pháp lý để Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân, đồng thời có biện pháp quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của đất nước. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trong thời gian qua góp phần quan trọng vào sự ổn định, trật tự an toàn xã hội; hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch và đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch từ Trung ương đến cấp xã luôn được củng cố, kiện toàn; hệ thống sổ sách về hộ tịch được lưu trữ, sử dụng lâu dài; thủ tục hành chính trong đăng ký và quản lý hộ tịch có sự cải cách một bước, ngày càng thuận lợi cho người dân; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch được triển khai ở một số địa phương; đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài có chuyển biến tích cực …
Như vậy, việc Trung tâm TVPLMS thường xuyên tuyên truyền phổ biến một số quy định của Luật Hộ tịch và chế định thừa kế trong Bộ luật Dân sự ở các địa phương trên cả nước gồm đại biểu là Lãnh đạo, Trưởng các ban, ngành, đoàn thể, tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở và Nhân dân.Tại hỏi – đáp, các luật gia, luật sư, tư vấn viên, cộng tác viên tư vấn pháp luật của Trung tâm đã giúp người dân, doanh nghiệp tham gia tìm hiểu và nắm rõ những quy định của pháp luật về hộ tịch, thực hiện liên thông đối với nhóm thủ tục hành chính đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp Thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử – xóa đăng ký thường trú – hỗ trợ chi phí mai táng trên môi trường điện tử. Ngoài ra, các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật còn giới thiệu các quy định của pháp luật liên quan đến thừa kế như quyền thừa kế của cá nhân, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật…Chuyên mục hỏi – đáp cũng dành phần lớn thời gian thảo luận theo các tình huống thực tiễn của các luật sư tham gia tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp đã đưa ra, cũng như giải đáp, hướng dẫn một số vướng mắc của người dân liên quan đến hộ tịch và thừa kế.
Tin rằng, thông qua chuyên mục hỏi – đáp, giúp cho mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện đăng ký hộ tịch, thừa kế, từ đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mỗi cán bộ và Nhân dân tại các địa phương.
Văn Hải – Tuấn Tú (Tư vấn viên pháp luật thuộc Trung tâm TVPLMS)